Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Tác dụng phụ của cây lược vàngcung cấp tại Hoàng Mộc Can mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Cây lược vàng có nguồn gốc từ Mexico sau đó di thực sang Nga rồi di thực đến Việt Nam vào những năm 90 của thập kỷ trước. Ban đầu, cây lược vàng được trồng để làm cảnh, nhưng sau đó được sử dụng để làm thuốc. Đã từng có thời điểm nhiều người coi cây lược vàng như thần dược điều trị bách bệnh. Vậy tác dụng cây lược vàng là gì và có độc tính trong cây lược vàng hay không?
1. Tác dụng cây lược vàng là gì?
Hiện nay, ở nước ta có nhiều quan điểm khác nhau về tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng, có cả những quan điểm trái chiều nhau, nhưng chủ yếu có ba quan điểm chính đó là:
- Coi cây lược vàng như một thứ thần dược có thể chữa được “bách bệnh” bao gồm cả những bệnh nan y như ung thư. Khiến cho mọi người đổ xô đi tìm mua, buôn bán, trồng, sử dụng cây lược vàng một cách ồ ạt.
- Bên cạnh đó cũng có những người không tin vào khả năng chữa bệnh có tính chất “đồn thổi” của cây lược vàng, thậm chí là phủ định hoàn toàn.
- Lại có một số người xem xét và sử dụng cây lược vàng một cách thận trọng, họ ghi nhận những trường hợp điều trị thành công nhưng không khẳng định tác dụng đó một cách chắc chắn khi chưa có những nghiên cứu khoa học.
Trước hết, cần phải biết rằng trước khi di thực vào nước ta, chúng ta chưa biết đến loài thực vật này và giá trị y học của chúng. Cho đến nay, cây lược vàng cũng chưa được ghi nhận trong các y thư chính thống của nước ta như là:
- Sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS. Đỗ Tất Lợi,
- Hay sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” của tập thể các tác giả thuộc Viện Dược liệu Trung ương.
- Hay sách “Cây thuốc Việt Nam” của lương y Lê Trần Đức
Ngay cả sách “Trung dược đại từ điển” của Trung Quốc cũng không thấy ghi gì về cây lược vàng.
Căn cứ để dùng cây lược vàng điều trị bệnh ở nước ta hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào các tài liệu và kinh nghiệm từ nước Nga. Ngoài ra, dựa trên các tài liệu nghiên cứu của nước ngoài cho thấy cây lược vàng chứa các chất có hoạt tính sinh học bao gồm steroid, flavonoid và nhiều khoáng tố vi lượng tốt cho sức khỏe.
Chất flavonoid đóng vai trò như vitamin PP, nó có khả năng làm bền thành mạch máu, an thần, giảm đau, kháng viêm, hoạt huyết và tăng tác dụng của vitamin C được sử dụng để chữa lành vết thương, vết bỏng, vết bầm tím. Trong dân gian, mọi người sử dụng cây lược vàng để chữa bệnh loét dạ dày tá tràng, lợi tiểu, ngăn ngừa và điều trị các khối u trong cơ thể.
Hai chất flavonoid trong cây lược vàng đã được xác định là quercetin và kaempferol. Quercetin là một chất chống oxy hóa tế bào mạnh, nó có khả năng kháng ung thư và tăng sức bền thành mạch, đồng thời nó còn hữu ích trong trường hợp dị ứng, chảy máu thành mạch, thấp khớp, viêm thận, bệnh tim mạch, bệnh mắt và các bệnh nhiễm trùng.
Kaempferol trong cây lược vàng có tác dụng củng cố mao mạch, nâng cao thể trạng, tăng cường sự bài tiết nước tiểu và có khả năng kháng viêm, nên được sử dụng chữa viêm nhiễm, dị ứng và bệnh đường tiết niệu.
Chất steroid trong cây lược vàng chính là phytosterol có hoạt tính estrogen, có tác dụng sát khuẩn, chống xơ cứng và kháng ung thư. Đặc biệt, cây lược vàng còn có khả năng tẩy uế không khí bị ô nhiễm, đồng thời giải phóng những chất có ích cho việc điều trị các bệnh lý đường hô hấp.
Kinh nghiệm trồng hái và sử dụng lược vàng làm thuốc ở nước ta đã trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những kinh nghiệm chữa bệnh cá nhân và truyền miệng, chưa có nghiên cứu chứng minh những tác dụng này.
2. Tác dụng phụ của cây lược vàng là gì?
Một nhóm nghiên cứu của Viện Dược liệu, đứng đầu là Tiến sĩ Nguyễn Minh Khởi, Tiến sĩ Trịnh Thị Điệp và nhiều nhà khoa học khác đã tiến hành nghiên cứu và thành phần hóa học, tác dụng sinh học và độc tính trong cây lược vàng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy cây lược vàng không có tác dụng chống viêm, thậm chí với cao chiết cồn 50% từ thân cây lược vàng còn làm tăng phản ứng viêm. Về khả năng kháng khuẩn, thử nghiệm trên 3 chủng vi khuẩn thường gặp thì cao chiết của lá và thân cây lược vàng có tác dụng kháng khuẩn đối với Staphylococcus aureus nhưng phải sử dụng ở nồng độ rất cao so với kháng sinh đối chiếu là azithromycin. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cũng cho thấy cao chiết lá và thân cây lược vàng còn có độc tính cấp, gây chết chuột thí nghiệm ở liều cao, tương đương với liều từ 2.100g-3.000g dược liệu tươi/kg cân nặng.
Chính vì những tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nên khi sử dụng cây lược vàng để chữa bệnh, người bệnh cần hết sức lưu ý, chỉ sử dụng khi có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.