Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây cỏ bạc đầu trị bệnh gì?cung cấp tại Hoàng Mộc Can mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Cỏ bạc đầu là loài cỏ mọc hoang ở nhiều nơi và là vị thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc từ cây cỏ bạc đầu có khả năng giảm đau, trị viêm xoang rất hiệu quả. Một số người còn cho rằng cây cỏ bạc đầu trị bệnh thận rất tốt. Vậy thực sự tác dụng của cây cỏ bạc đầu là gì?
1. Giới thiệu về cây cỏ bạc đầu
Cây cỏ bạc đầu còn có tên gọi khác là bạc đầu cánh, cỏ bạc đầu ông, cỏ đầu tròn, thủy ngô công, cói bạc đầu lá ngắn, Nhá boóc đon (tiếng Thái)…; tên khoa học là Kyllinga brevifolia Rottb thuộc họ khoa học là họ Cói (Cyperaceae).
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và quá trình thu hái cây cỏ bạc đầu
Cây cỏ bạc đầu là loài cây ưa sống ở vùng khí hậu nhiệt đới. Cho đến nay, loại cây này được tìm thấy phổ biến ở Campuchia, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Australia và một số nước châu Phi. Ở Việt Nam, cỏ bạc đầu mọc hoang dã ven các con đường đường hoặc trong vườn cây… ở một số tỉnh như Lào Cai, Cao Bằng và một số tỉnh miền Nam như Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh và An Giang.
Dược liệu từ cỏ bạc đầu có thể được thu hái quanh năm. Sau khi thu hoạch về, người dân sẽ đem rửa cho sạch sẽ, sau đó sử dụng cây tươi hoặc phơi khô để bảo quản và dùng dần.
1.2. Mô tả cây cỏ bạc đầu
Cây cỏ bạc đầu có những đặc điểm nhận diện như sau:
- Là loài cây thân thảo nhỏ. Phần thân rễ mảnh, mọc bò, còn phần thân khí sinh mọc đơn độc thành bụi, chiều cao khoảng 10-40cm;
- Lá cỏ bạc đầu mọc đặc trưng thành 2 dãy cách nhau, chiều dài thường ngắn nhưng cá biệt có thể dài bằng hoặc hơn thân cây. Phiến lá hình dải, đầu nhọn, gân chạy song song, màu sắc mặt dưới rất nhạt;
- Hoa cỏ bạc đầu mọc thành cụm hình cầu ở ngọn, đường kính khoảng 8-12mm trên một cán dài ba cạnh, mỗi cụm bao gồm 1 đến 3 bông hình trụ. Hoa màu trắng, mang 3 đến 4 lá bắc dài, nằm ngang. Mỗi bông nhỏ trong cụm thường chứa một hoa riêng, ở trên có vảy nhẵn, hơi nhám, ở dưới có lông tơ mịn. Nhị hoa thuộc dạng nhị 3-2;
- Quả bế dẹp, hình bầu dục hoặc trái xoan ngược, màu trắng vàng;
- Đặc điểm đặc trưng là toàn cây cỏ bạc đầu phát ra mùi thơm đặc trưng do có chứa tinh dầu, đặc biệt là phần rễ.
1.3. Bộ phận làm thuốc của cây cỏ bạc đầu
Bộ phận được sử dụng để làm thuốc trị bệnh là toàn bộ cây.Tác dụng của cây cỏ bạc đầu có được là nhờ vào số lượng lớn tinh dầu và một số hoạt chất khác.
Sau khi được thu hái về, người dân tiến hành rửa sạch toàn bộ cây bằng nước sạch để loại bỏ đất cát, bụi bẩn và tạp chất. Sau đó, tùy mục đích và bài thuốc mà có thể sử dụng dược liệu dạng tươi hoặc phơi khô. Nếu sử dụng ở dạng khô, người dân sẽ cắt cỏ bạc đầu thành từng đoạn nhỏ, dài khoảng 3-4cm, sau đó đem phơi hoặc sấy khô và bảo quản dùng dần.
1.4. Bảo quản cây cỏ bạc đầu sau khi chế biến
Cây cỏ bạc đầu sau khi chế biến cần được bảo quản khô trong bao bì kín và đặt ở nơi thoáng mát. Đối với bệnh nhân sử dụng dược liệu tươi nên sử dụng hết lượng thuốc trong ngày, không để qua đêm.
2. Tác dụng dược lý của vị thuốc cỏ bạc đầu
2.1. Thành phần hóa học của vị thuốc cỏ bạc đầu
Thành phần hóa học của cây cỏ bạc đầu bao gồm 8.47% protein, 0.94% chất béo, 45% tinh bột.
Ngoài ra, cỏ bạc đầu còn chứa một số hoạt chất như ergosterol peroxide, beta-sitosterol, vitexin…Đặc biệt, mùi thơm đặc trưng của loài thực vật này xuất phát từ lượng tinh dầu, đặc biệt là ở phần rễ.
2.2. Tác dụng của cây cỏ bạc đầu
Theo nghiên cứu của Y Học Hiện Đại, cỏ bạc đầu có những tác dụng sau:
- Diệt khuẩn: Hoạt chất Vitexin trong cây có tác dụng ức chế sự phát triển của các loại vi trùng;
- Hạ huyết áp;
- Kháng viêm;
- Giảm co thắt;
- Hoạt tính chống ung thư;
- Nước sắc từ cây cỏ bạc đầu còn có tác dụng lợi tiểu.
Tác dụng của cây cỏ bạc đầu theo Y Học Cổ Truyền:
- Về mặt tính vị, cỏ bạc đầu có vị cay, tính bình, không chứa độc tố;
- Tác dụng bao gồm chỉ thống, sát trùng, giải nhiệt, lợi tiểu, chỉ khái (giảm ho), tiêu thũng;
- Chủ trị các chứng lở loét da, sát trùng vết thương, trị mụn nhọt, tiêu chảy, ho, viêm, sưng đau, bầm tím do té ngã hay chấn thương…
3. Cây cỏ bạc đầu trị bệnh gì?
Cỏ bạc đầu trị bệnh gì còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc cụ thể. Từ đó phân thành nhiều cách dùng khác nhau như đắp ngoài hay sắc lấy nước uống. Liều dùng cụ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cơ địa từng đối tượng, tình trạng và mức độ bệnh lý:
- Dạng sắc uống thường khoảng 10 – 16g mỗi ngày. Nếu trị chứng cảm mạo, phong hàn, ho thì dùng liều 30 – 45g dạng tươi để sắc nước uống;
- Ở cách dùng đắp ngoài da, người bệnh đem cây cỏ bạc đầu tươi giã nát, thêm ít muối và đắp lên vị trí tổn thương hoặc đun lấy nước để rửa chỗ đau.
4. Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây cỏ bạc đầu
4.1. Đái ra dưỡng chấp
Chuẩn bị nguyên liệu: Cỏ bạc đầu và cùi nhân (long nhãn) mỗi vị 50g.
Cách thực hiện: Đem 2 vị thuốc trên sắc với một lượng nước vừa đủ để lấy nước uống trong ngày. Mỗi ngày chỉ uống 1 thang duy nhất và người bệnh cần kiên trì trong nhiều ngày liền mới mang lại hiệu quả.
4.2. Cỏ bạc đầu trị sốt rét
Chuẩn bị nguyên liệu khoảng 60g cỏ bạc đầu.
Tiến hành rửa sạch toàn bộ nguyên liệu đã chuẩn bị rồi đem sắc lấy nước uống. Lưu ý người bệnh cần uống nước thuốc khoảng 4 giờ trước khi có triệu chứng sốt.
4.3. Ho thông thường, ho gà, viêm khí quản
- Nguyên liệu: 60g cây cỏ bạc đầu.
- Cách thực hiện: Đem lượng cây trên rửa nhiều lần với nước sạch để hoàn toàn không còn bụi bẩn hay tạp chất. Sau đó, đem dược liệu đi sắc với khoảng 750ml nước lọc, đun sôi cho đến khi lượng nước cô đặc còn lại khoảng 200ml thì ngưng. Người bệnh phân lượng nước còn lại thành 2 phần để uống hết trong ngày, lưu ý nên dùng khi thuốc còn ấm.
4.4. Mụn nhọt, viêm mủ da, rắn cắn
Chuẩn bị khoảng 30 – 60g cỏ bạc đầu đã rửa sạch. Sau đó đem toàn bộ sắc với lượng nước vừa đủ để lấy nước thuốc uống một lần trong ngày.
4.5. Đau chân (kinh nghiệm của người dân Malaysia)
Chuẩn bị khoảng một nắm thân và rễ cây cỏ bạc đầu. Sau đó rửa sạch bằng nước muối pha loãng để loại bỏ bụi bẩn. Cho phần cỏ bạc đầu vào cối để giã nát.
Người bệnh tiến hành vệ sinh sạch sẽ chân bị đau rồi đắp phần dược liệu đã được giã nát lên. Dùng băng gạc để băng cố định trong thời gian khoảng 30 phút.
4.6. Vàng da, viêm gan vi rút
Nguyên liệu cần chuẩn bị là khoảng 40 – 80g cỏ bạc đầu. Sau đó tiến hành sắc để lấy phần nước thuốc uống. Mỗi ngày có thể chia uống từ 2 – 3 lần đều được.
4.7. Xông hơi cỏ bạc đầu trị chứng cảm mạo, nghẹt mũi
Chuẩn bị: Cỏ bạc đầu và lá tía tô mỗi vị một nắm. Các nguyên liệu đều ở dạng cây tươi.
Cách thực hiện: Làm sạch 2 dược liệu trên rồi cho vào nồi nước đã đun sôi, tiến hành đun tiếp tục thêm 5 phút rồi tắt bếp. Người bệnh cho toàn bộ nước ra chậu lớn rồi tiến hành xông hơi để trị bệnh.
4.8. Viêm xoang
- Bài thuốc số 1: Chuẩn bị khoảng 60g cỏ bạc đầu. Đem đi rửa sạch rồi sắc lấy nước uống. Để tăng hiệu quả nên uống thuốc khi còn đủ ấm;
- Bài thuốc số 2: Nguyên liệu bao gồm cây cỏ bạc đầu, mẫu kinh, rễ bồ hòn và lá cây dừa mỗi vị 15g ở dạng cây tươi. Đem tất cả nguyên liệu trên sắc với 750ml nước lọc. Tiến hành đun sôi đến khi cô đặc lại còn khoảng 200ml thì ngưng. Người bệnh chắt lọc lấy phần nước cốt để uống mỗi ngày 1 thang.
4.9. Rong kinh
Chuẩn bị: Cỏ bạc đầu, ngải cứu và thảo hạc số lượng bằng nhau.
Cách thực hiện: Làm sạch toàn bộ nguyên liệu trên rồi cho vào cối và tiến hành giã nát. Sau giã chắt lấy phần nước cốt để uống, có thể chia làm 2 phần và uống hết trong ngày.
4.10. Cầm máu, trừ ứ
Chuẩn bị khoảng 1 – 2 nắm cỏ bạc đầu đã rửa sạch sẽ, không còn bụi bẩn. Sau đó đem đi giã nát và chắt lọc lấy phần nước cốt để uống.
4.11. Các bệnh phụ khoa
Nguyên liệu bao gồm cây cỏ bạc đầu và khổ sâm với liều lượng bằng nhau.
Cách thực hiện: Mang 2 vị thuốc đã chuẩn bị rửa sạch sẽ rồi nấu cùng với 1 lít nước. Lấy phần nước thuốc này để rửa bộ phận sinh dục, mỗi ngày một lần.
4.12. Rôm sảy, mụn nhọt
Chuẩn bị một lượng cây cỏ bạc đầu đã rửa với nước sạch. Sau đó tiến hành nấu với khoảng 2 lít nước lọc. Người bị rôm sảy, mụn nhọt có thể sử dụng phần nước thuốc này để tắm hoặc ngâm rửa vùng da bị tổn thương.
13. Dị ứng, côn trùng cắn
Chuẩn bị khoảng một nắm cỏ bạc đầu. Tiến hành làm sạch rồi đem đi giã nát. Sau đó lấy một lượng vừa đủ đắp lên vùng da bị dị ứng hoặc côn trùng cắn/đốt.
4.14. Cây cỏ bạc đầu trị bệnh thận
Chuẩn bị: Cỏ bạc đầu và long nhãn mỗi vị khoảng 15g.
Cách thực hiện: Rửa sạch toàn bộ nguyên liệu đã chuẩn bị nhiều lần với nước sạch rồi đem sắc để lấy nước uống. Lưu ý nên sử dụng khi nước thuốc còn ấm
4.15. Bệnh suy nhược thần kinh
Chuẩn bị nguyên liệu gồm cây cỏ bạc đầu và cỏ cứt lợn mỗi vị 15g, rau bợ và chua me đất mỗi vị 12g.
Cách thực hiện: Rửa sạch toàn bộ dược liệu rồi đem sắc lấy nước uống. Kiên trì sử dụng trong 10 ngày sẽ thấy bệnh tình được cải thiện.
5. Một số lưu ý khi dùng dược liệu cỏ bạc đầu trong điều trị bệnh
Trong và trước khi sử dụng cỏ bạc đầu để điều trị bệnh, bạn cần lưu ý để một số vấn đề để phòng tránh tác dụng phụ ngoài ý muốn:
- Không dùng cây cỏ bạc đầu cho bệnh nhân bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược liệu;
- Phụ nữ mang thai và cho con bú nên hạn chế sử dụng cây cỏ bạc đầu;
- Nếu dùng cây cỏ bạc đầu ở dạng dược liệu tươi có thể gây kích ứng miệng, kích ứng đường tiêu hóa, cổ họng, kích ứng đường tiết niệu hoặc gây dị ứng da;
- Thận trọng khi dùng đồng thời cỏ bạc đầu với một số loại thuốc đặc trị.
Cỏ bạc đầu là loài cỏ mọc hoang ở nhiều nơi và là vị thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc từ cây cỏ bạc đầu có khả năng giảm đau, trị viêm xoang rất hiệu quả. Tuy nhiên, để tránh các tác dụng phụ, người bệnh chỉ nên sử dụng khi có sự tư vấn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.