Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây chỉ thiên có tác dụng gì?cung cấp tại Hoàng Mộc Can mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Cây chỉ thiên còn được gọi là cây thổi lửa, co tát nai, có tính mát, vị đắng. Trong Y Học Cổ Truyền, dược liệu này được sử dụng trong các bài thuốc điều trị bệnh với công dụng trị viêm amidan có đờm, viêm họng…
1. Đặc điểm cây chỉ thiên
Cây chỉ thiên còn có những tên khác như cây thổi lửa, co tát nai, cỏ lưỡi mèo, có tên khoa học là Elephantopus scarber L. – thuộc họ Cúc (Asteraceae). Đây là loại cây cỏ có những đặc điểm như sau:
- Thân cây mang nhiều cành và hầu như không mang lá, cao khoảng 20 – 50cm, toàn thân cây thường có lông;
- Lá cây nằm ở gốc, mọc thành hình hoa thị nằm sát đất. Phiến lá dài khoảng 6 – 12cm, rộng khoảng 3 – 5cm và men theo cuống ôm lấy thân cây, phía trên lá nhỏ dần, đầu tù và có khía răng nhỏ ở mép. Cả hai mặt của lá được phủ bởi lông trắng, đặc biệt là ở các gân;
- Hoa mọc thành cụm hình xim hoặc ngù. Mỗi cụm chứa 4 hoa nhỏ màu tìm hoặc tím hồng, tràng hoa có hình ống chứa 5 thùy, nhị hoa có 5 – 6 sợi và bao phấn có tai;
- Quả cây hình thoi, dạng quả bế có 10 cạnh lồi. Mùa ra quả của cây vào khoảng tháng 1 – 8.
Tất cả các bộ phận của cây đều dùng được làm thuốc. Dược liệu được thu hái quanh năm, có thể dùng tươi hoặc đem sấy khô, phơi khô.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy cây chỉ thiên chứa nhiều thành phần hóa học tốt cho sức khỏe như elephantopin, elephantin, isodeoxyelephantopin, lupeol acetat, dotriacontan – 1 – ol.
2. Tác dụng của cây chỉ thiên
“Cây chỉ thiên có tác dụng gì trong điều trị bệnh?” Theo đó, tác dụng của chỉ thiên đã được chứng minh cả trong Y Học Hiện Đại và Y Học Cổ Truyền:
Tác dụng của cây chỉ thiên theo Y Học Cổ Truyền: Dược liệu có tính mát, vị đắng, quy vào kinh phế, tỳ và có công dụng như sau:
- Chữa sốt cao, cảm mạo, chảy máu cam, viêm họng, viêm cầu thận cấp, ho ra máu, viêm gan do virus, phù thũng, khí hư bạch đới, tiểu tiện khó khăn, rắn cắn, mụn nhọt lở ngứa;
- Trong y học cổ Ấn Độ, nước sắc từ lá và rễ chỉ thiên có công dụng giảm đau, trị tiêu chảy, đái khó, viêm, kiết lỵ hoặc đau dạ dày. Ngoài ra, rễ cây còn được sử dụng làm ngừng nôn, tán thành bột và trộn với bột hạt tiêu dùng bôi trị sâu răng;
- Nước sắc cây chỉ thiên giúp trị sốt rét và nước sắc rễ làm thuốc bổ tim, gan;
- Trong Y Học Cổ Truyền Nepal, rễ chỉ thiên được dùng trị cảm lạnh, ho. Nước ép từ rễ dùng uống trị đau dạ dày, khó tiêu, sốt…
- Tại các nước Đông Nam Á, dược liệu chỉ thiên được sử dụng làm thuốc hạ sốt, lợi tiểu và làm dịu da.
Tác dụng của cây chỉ thiên theo Y Học Hiện Đại: Nhiều nhà khoa học đã thực hiện các nghiên cứu về dược liệu này và cho kết quả như sau:
- Hoạt chất elephantin của cây chỉ thiên ở liều 100 mg/kg có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào sarcom 256 khi thí nghiệm trên chuột cống; hoạt chất deoxyelephantopin ở liều 2,5 mg/kg có tác dụng ức chế tế bào u báng khi thí nghiệm trên chuột cống trắng; hoạt chất dihydroelephantopon có tác dụng ức chế tế bào ung thư bạch cầu phát triển;
- Chiết xuất cao lỏng từ chỉ thiên và các loài Elephantopus có tác dụng bảo vệ gan khỏi các tổn thương cấp tính gây bởi paracetamol và β – D – Galactosamin; giảm nồng độ enzym GPT, GOT và giảm cải thiện tổn thương gan. Một nghiên cứu khác được thực hiện cho thấy tác dụng đáng kể của cao chỉ thiên đối với sự hoại tử của những thùy trung tâm và sự thoái biến mỡ của gan;
- Nghiên cứu dược lý được thực hiện ở cao nước, cao nước – cồn chỉ thiên cho kết quả liều 0,3 – 0,6g/kg gây mất trương lực cơ, quằn quại, mệt lả, mất điều hòa và gây tử vong ở chuột trắng. Cao trắng với hàm lượng 25 – 100mg/kg dùng đường tiêm tĩnh mạch làm giảm nhịp tim và huyết áp ở chuột cống trắng;
- Dược liệu có hoạt tính kháng khuẩn ở vi khuẩn streptococcus muntans gây sâu răng, vi khuẩn E.coli, tụ cầu vàng… Nhìn chung, chỉ thiên có công dụng ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn gram dương và gram âm;
3. Cây chỉ thiên trong các bài thuốc chữa bệnh
3.1. Bài thuốc chữa cảm thể phong nhiệt
Người bệnh mắc cảm thể phong nhiệt thường có triệu chứng sốt cao, đau đầu, hơi sợ gió, khát nước, tự ra mồ hôi, nước tiểu vàng, mạch nhanh và rêu lưỡi vàng mỏng. Trong y học dân gian, bài thuốc chữa cảm thể phong nhiệt được bào chế từ các dược liệu sau: Lá cối xay 40g, chỉ thiên 40g, 3 lát gừng tươi, 20g cam thảo đất, 20g bạc hà. Tất cả các dược liệu được dùng ở dạng tươi, đem sắc với nước uống.
3.2. Bài thuốc trị cảm nắng, sốt nóng đơn thuần
Các triệu chứng khi bị cảm nắng gồm sốt, không sợ lạnh, ưa mát, ra mồ hôi, nôn và khát nước. Sử dụng bài thuốc gồm 30g mỗi loại dược liệu chỉ thiên, rau má, sắn dây, cam thảo đất, lá chanh, trường hợp ra mồ hôi nhiều thì thêm 1 nắm lá tre. Hỗn hợp dược liệu đem sắc với nước, uống khi nguội.
3.3. Bài thuốc trị viêm họng, viêm amidan cấp
Dùng 50g chỉ thiên tươi đem sắc với nước uống trong ngày. Người bệnh nên sử dụng bài thuốc liên tục trong 3 ngày để đạt hiệu quả điều trị cao.
3.4. Bài thuốc trị ho
Dùng các vị thuốc gồm cải trời, chỉ thiên, lá bưởi, cam thảo đất, rễ tranh, cây ớt, đậu xanh, trong đó mỗi vị sử dụng khoảng 1 nắm tay. Kết hợp với 1 vỏ quýt, 1 cây húng, 1 quả chanh, 3 lát gừng sống. Hỗn hợp dược liệu đem sắc với nước, dùng uống khi nóng 2 lần trong ngày cách nhau khoảng 6 giờ.
3.5. Bài thuốc trị hen suyễn
Dùng các vị thuốc gồm 100g cà độc dược, 100g lá chỉ thiên, 50g ngải cứu, 20g bông tranh và 50g diêm tiêu. Các dược liệu được phơi khô, giã nát và trộn chung với nhau sau đó dùng giấy bản cuộn thành điếu, đem sấy khô. Khi người bệnh có dấu hiệu xuất hiện cơn hen, sử dụng một điếu thuốc đốt cháy ra khói, dùng khăn mặt ướt che mặt, hít khói sẽ giúp ngăn chặn cơ hen hoặc nếu có xuất hiện cơn hen sẽ nhẹ hơn.
3.6. Bài thuốc trị viêm xoang
Cây chỉ thiên trị viêm xoang qua bài thuốc sau: Dùng 10g chỉ thiên khô, 10g hạt núc nác và 2g núc nác. Hỗn hợp dược liệu được rửa sạch, để ráo nước và sắc trong 1 lít nước lọc, thời gian sắc khoảng 15 phút đến khi còn 2/3 thể tích thuốc thì tắt bếp. Nước thuốc nên uống khi nguội và chia thành các buổi uống trong ngày.
4. Lưu ý khi sử dụng cây chỉ thiên trong điều trị
Bên cạnh những tác dụng của chỉ thiên đối với sức khỏe, vị thuốc này cũng có những chống chỉ định và tác dụng phụ riêng. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề khi sử dụng cây chỉ thiên trong điều trị như sau:
- Thận trọng khi sử dụng chỉ thiên trong các bài thuốc trị bệnh đối với những đối tượng sau: Người nhẹ cân, suy nhược cơ thể, sức khỏe yếu hoặc đang điều trị với thuốc Tây Y; phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú; người mắc bệnh về huyết áp, rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng;
- Các hoạt chất trong dược liệu ở dạng tự nhiên nên thường đem lại hiệu quả chậm hơn so với các thuốc Tây y, vì vậy trong một số trường hợp người bệnh cần duy trì sử dụng bài thuốc đúng liều lượng và thời gian điều trị;
- Điều trị bệnh từ các vị thuốc tự nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ, và có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm nếu người bệnh không có hiểu biết đầy đủ về dược liệu. Vì vậy, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng trong điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.