Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Công dụng của vị thuốc hoắc hươngcung cấp tại Hoàng Mộc Can mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đỗ Phú Thắng – Bác sĩ Y Học Cổ Truyền – Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông
Hoắc hương hay còn được gọi là hợp hương, tô hợp hương, linh lung hoắc khử bệnh thuộc cây thảo sống lâu năm, thân vuông, màu nâu, có lông dày mịn. Hoắc hương là dược liệu quý với nhiều công dụng cho sức khỏe.
1. Hoắc hương là gì?
Cây hoắc hương là cây thảo dược quý. Đây là loại cây thân thảo, sống lâu năm, cao chừng 30 – 60cm. Thân cây có màu nâu tím, có lớp lông nhỏ mịn, phân thành nhiều nhánh khoảng dài 40 – 50cm.
Lá cây mọc đối xứng với nhau, dài khoảng từ 4 đến 9cm, rộng từ 3 đến 7cm, cả hai mặt của lá đều có lớp lông mịn phủ kín. Phiến lá có dạng hình trứng, mép có răng cưa to, chóp lá hơi nhọn hoặc tròn.
Hoa của cây mọc thành từng cụm. Cây có hoa dài ở phần ngọn cây hoặc ở bên nách lá, có màu tím nhạt hoặc hồng. Mùa hoa thường nở rộ vào khoảng tháng 5 – 6 hàng năm.
Mùi hương của hoắc hương rất đặc trưng, thơm nồng chủ yếu ở phần lá hoắc hương.
Ở nước ta, cây hoắc hương được tìm thấy nhiều nhất ở các tỉnh thành ở miền Bắc như Hưng Yên, Ninh Bình,… Ngoài ra, chúng còn được trồng làm dược liệu tại các vườn thảo dược, vườn thuốc nam hoặc trong nhiều gia đình để làm thuốc.
Theo các tài liệu dược liệu cổ, toàn cây hoắc hương đều có dược tính cao, ngoại trừ phần rễ. Vì vậy khi thu hái xong cần cắt toàn bộ dược liệu trên bề mặt đất. Về thời điểm thu hái thích hợp nhất là vào mùa hè, khi mà cây phát triển tươi tốt nhất. Sau khi cắt, người dùng có thể dùng tươi hoặc phơi, sấy khô dược liệu trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời đến khi khô hoàn toàn để tích trữ và sử dụng lâu dài. Hoắc hương khô là loại thảo dược dễ bị nấm mốc khi bảo quản ở điều kiện ẩm ướt. Vậy nên, đây là dược liệu cần được bảo quản kỹ càng trong các lọ, túi bóng kín.
2. Hoắc hương có tác dụng gì?
2.1. Theo Y Học Cổ Truyền
Theo cuốn sách Từ điển cây thuốc Việt Nam, hoắc hương là loại thảo dược quý có vị ngọt đắng, hơi cay, mùi thơm đặc trưng và tính ôn. Đồng thời, hoắc hương tác dụng quy vào 3 kinh gồm Phế, Tỳ, Vị, cụ thể như sau:
- Hỗ trợ vệ khí chống lại ngoại tà, khai Vị, tỉnh Tỳ
- Thăng thanh, chỉ ẩu, khai vị, tỉnh tỳ, giáng trọc,.
- Sơ phong tán tà, hành khí, giải biểu, tiêu thực, hóa thấp.
Do đó, hoắc hương giúp chủ trị nhiều chứng bệnh như nôn nghịch do tỳ vị bệnh, muốn nôn, trị cảm thử thấp, hàn nhiệt, đau đầu, ngực đầu, kiết lỵ, miệng hôi,…
2.2. Theo Y Học Hiện Đại
Theo kết quả phân tích thành phần dược tính đã chứng minh rằng trong thành phần của hoắc hương chứa phần lớn tinh dầu với thành phần chủ yếu là Alcohol patchoulic, Patchoulen và một số thành phần khác như Eugenol, Benzaldehyde, Aldehyd cinnamic và Cadinen.
Đây là những hợp chất có tác dụng kháng khuẩn hiệu quả, ức chế các loại nấm và vi khuẩn gây bệnh như nấm Leptospirosis, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn lỵ, liên cầu khuẩn,… Đồng thời, tinh dầu hoắc hương cũng có khả năng làm tăng dịch tiết dạ dày từ đó hỗ trợ chức năng tiêu hóa, làm co túi mật.
3. Các bài thuốc từ hoắc hương
3.1. Trị hóa thấp, giải biểu
Bài thuốc 1: Chuẩn bị hoắc hương 12g, đại phúc bì 12g, phục linh 12g, bán hạ chế gừng 12g, đại táo 12g, trần bì 6g, tía tô 8g, bạch chỉ 8g, hậu phác 8g, gừng tươi 8g, cát cánh 8g, cam thảo 4g. Sắc lấy thuốc uống trong ngày. Thuốc có tác dụng trong trường hợp nội thương sinh lạnh ngoại cảm phong hàn thường gặp vào những tháng nóng bức, gây ra các chứng nhức đầu, sốt nóng, rét, tức ngực, đầy hơi, đại tiện lỏng.
Bài 2: Hoắc hương, hương phụ, trần bì, hạt cau, lá sắn thuyền, hạt vải, lá sung, vỏ chân chim, mộc hương nam, seo gà, vỏ duối, thanh ngâm; các vị liều lượng bằng nhau. Sao khô các dược liệu, tán thành bột bột làm hoàn, bao ngoài bằng bột chàm, uống thuốc với nước gừng. Tác dụng chữa bệnh lỵ.
Bài 3: Hoắc hương, bội lan (mần tưới) mỗi vị lấy lượng 12g. Sắc lấy thuốc uống hàng ngày. Bài thuốc có tác dụng giải cảm nắng mùa hè, váng đầu, tức ngực, buồn nôn, chán ăn.
3.2. Ấm dạ dày, chống nôn mửa
Bài 1: Lá hoắc hương, trần bì, bán hạ chế mỗi bị 12g; đinh hương 2g. Sắc lấy thuốc uống trong ngày. Dùng trong điều trị bệnh hàn thấp, chướng bụng, biếng ăn hay nôn mửa.
Bài 2: Hoắc hương, bán hạ chế mỗi bị 12g; thương truật, trần bì mỗi vị 8g. Sắc lấy thuốc uống trong ngày. Bài thuốc có tác dụng điều trị các bệnh về đường tiêu hoá như viêm dạ dày, viêm ruột cấp tính thuộc chứng hàn thấp.
Bài 3: Lá hoắc hương, đảng sâm, thương truật, hậu phác, xích phục linh mỗi vị 12g; bán hạ chế, trần bì mỗi vị 6g; gừng tươi 3 lát; cam thảo 4g. Sắc lấy thuốc uống lúc còn nóng. Bài thuốc có tác dụng trị bụng đầy trướng, nôn mửa và không muốn ăn.
3.3. Hành khí, giảm đau
Bài 1: Hoắc hương, hậu phác, chỉ thực, thanh mộc hương, mỗi vị 12g; sa nhân 6g; trần bì 4g. Sắc lấy thuốc uống trong ngày. Bài thuốc có tác dụng điều trị các chứng bệnh: hơi trong dạ dày khó thoát, bụng căng tức, chướng hơi, đau tức.
Bài 2: Hoắc hương lượng 250g, nghiền thành bột mịn, dùng mật lợn lượng vừa đủ, chế thành dạng viên. Mỗi lần uống viên 4g, ngày uống 2 lần, uống với nước ấm. Một đợt điều trị có thể uống liên tục trong 2 – 4 tuần. Bài thuốc có tác dụng điều trị viêm mũi mạn tính và viêm xoang mũi.
3.4. Tác dụng thanh thử khá mạnh
Hoắc hương có công dụng thanh khử mạnh. Vào mùa hè nấu nước từ lá hoắc hương uống thay chè có công dụng chống say nắng tốt. Hoắc hương là thuốc trị nôn mửa có hiệu quả, nhưng tùy chứng mà gia vị: thấp nhiệt gia hoàng liên, trúc nhự; tỳ hư gia đảng sâm, cam thảo; nôn do thai nghén, sa nhân.
4. Lưu ý khi sử dụng hoắc hương trong điều trị bệnh
Hoắc hương là vị thuốc nam phổ biến, được sử dụng nhiều trong các bài thuốc đông y để trị bệnh. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bạn cần lưu ý sau:
- Hầu hết các bài thuốc cổ truyền từ hoắc hương đều được lưu truyền chủ yếu trong dân gian. Hơn nữa, một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này, bạn cần thận trọng khi sử dụng.
- Trước khi dùng cần xem xét tình trạng dược liệu. Khi dược liệu có dấu hiệu hư hại, ẩm mốc và có mùi lạ cần tiêu huỷ, không sử dụng.
- Thuốc từ dược liệu hoắc hương có tính chất khô háo, làm tổn hại phần âm, hao khí, người thể âm hư mà không bị thấp và người yếu dạ sinh nôn không dùng.
Tóm lại, trước khi sử dụng các bài thuốc, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ đông y hoặc thăm khám tại các bệnh viện có khoa Y Học Cổ Truyền. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với hoắc hương. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.