Cây náng hoa trắng có tác dụng gì?

Cây náng hoa trắng có tác dụng gì?

Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây náng hoa trắng có tác dụng gì?cung cấp tại Hoàng Mộc Can mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.

Cây náng hoa trắng chứa nhiều hoạt chất có lợi trong điều trị một số bệnh lý. Tuy nhiên, loại cây này có thể gây ra tác dụng phụ nếu sử dụng sai cách hoặc sai liều lượng. Vậy cây náng hoa trắng có tác dụng gì và cần sử dụng như thế nào?

1. Cây náng hoa trắng là gì?

Cây náng hoa trắng còn có những tên gọi khác như đại tướng quân, cây lá náng, náng sumatra, chuối nước… Tên khoa học của cây náng hoa trắngCrinum asiaticum L. thuộc họ Amaryllidaceae.

Trước khi tìm hiểu về tác dụng của cây náng hoa trắng, chúng ta cần nắm một số đặc điểm của loài thực vật này. Náng hoa trắng thuộc loại cây thân thảo lưu niên, chiều cao khoảng 1m với những đặc điểm nhận dạng như sau:

  • Thân hình trứng, đường kính 5-10cm;
  • Lá đơn, hình dải ngọn giáo, mọc từ gốc, chiều dài hơn 1m và rộng 5-10cm;
  • Cụm hoa mọc ở đầu, cán dẹp, dài 40-60 cm. Mỗi cụm hoa mang 6-12 hoa hoặc nhiều hơn, màu trắng;
  • Hoa cây náng hoa trắng có các ống mảnh màu lục và thường có mùi thơm về chiều;
  • Quả mọng, hình tròn, đường kính 3-5 cm và chứa 1 hạt.

Cây náng hoa trắng phân bố chủ yếu ở các khu vực ẩm ướt, thường xuất hiện ở các quốc gia như Ấn Độ hoặc Indonesia. Ở Việt Nam, cây náng hoa trắng xuất hiện ở nhiều vùng miền từ Nam ra Bắc. Bên cạnh tác dụng làm dược liệu, người dân còn trồng cây náng hoa trắng với mục đích làm cảnh.

Bộ phận dùng làm dược liệu của cây náng hoa trắng là phần lá và củ, có thể thu hái quanh năm. Sau khi thu hái về, lá cây náng hoa trắng có thể dùng ở dạng tươi hoặc phơi khô. Để bảo quản được lâu, người dân cần tránh để cây náng hoa trắng ở nơi ẩm mốc hoặc vị trí ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

2. Cây náng hoa trắng có tác dụng gì?

Để hiểu rõ hơn về tác dụng của cây náng hoa trắng, việc tìm hiểu về các thành phần hóa học bên trong cây là rất cần thiết. Lá, hoa và củ của cây náng hoa trắng chứa nhiều Alkaloid có tên gọi là Lycorin (công thức hóa học là C16H17NO4). Bên cạnh đó, thân và bẹ cây náng hoa trắng còn chứa nhiều hoạt chất Alkaloid khác như Crinasiatin, Baconing và Hippadin. Phần củ chứa nhiều vitamin và một số hợp chất kiềm có mùi tỏi. Quả cây náng hoa trắng chứa nhiều Criasbetain và Ungeremin, riêng phần hạt bao gồm Crinamin và Lycorin.

Theo Y học Cổ truyền, cây náng hoa trắng có tính mát, vị đắng và hơi có độc. Một số nghiên cứu thực hiện tại Hàn Quốc và Nhật Bản về tác dụng củacây náng hoa trắng cho thấy, dược liệu này có công dụng trong việc cải thiện triệu chứng phì đại tiền liệt tuyến. Ngoài ra, đề tài nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt thực hiện trong giai đoạn 2001-2008 tại Việt Nam đã khẳng định tác dụng khả quan của cây náng hoa trắng đối với bệnh u xơ tuyến tiền liệt. Các hoạt chất chứa trong cây náng hoa trắng, đặc biệt là các Alkaloid, có tác dụng làm giảm triệu chứng u xơ tiền liệt tuyến lên đến 35.4%, bên cạnh đó là công dụng chống viêm và làm giảm kích thước khối u hạt lên đến 25.4%.

Ngoài ra, một số tác dụng củacây náng hoa trắng được biết đến như:

  • Hỗ trợ giảm sưng và đau do bong gân;
  • Chữa trị rắn cắn;
  • Giảm đau nhức xương khớp;
  • Điều trị mụn nhọt và các bệnh ngoài da;
  • Điều trị bệnh trĩ;
  • Long đờm;
  • Giảm kích thước u xơ tử cung và u nang buồng trứng;
  • Cải thiện triệu chứng tiểu buốt, tiểu nhiều lần, tiểu đêm hoặc tiểu không hết…

Tùy thuộc từng bệnh lý cụ thể và cách sử dụng với liều lượng phù hợp mà cây náng hoa trắng sẽ mang lại hiệu quả khác nhau. Nếu sử dụng dưới dạng đắp thì không kể liều lượng, tuy nhiên nếu dùng cây náng hoa trắng dưới dạng sắc uống thì liều dùng mỗi ngày không quá 10g.

3. Tác dụng phụ của cây náng hoa trắng

Cây náng hoa trắng nếu sử dụng quá liều hoặc sai cách có thể gây ra một số phản ứng phụ thường gặp như sau:

  • Nhịp thở không đều;
  • Nôn ói;
  • Đau bụng;
  • Tiêu chảy;
  • Mạch nhanh;
  • Thân nhiệt tăng cao.

Nếu gặp phải các biểu hiện bất thường trên đây, người dùng có thể đã bị ngộ độc với cây náng hoa trắng. Khi đó tốt nhất hãy ngừng sử dụng và đến cơ sở y tế kiểm tra. Để giải độc cây náng hoa trắng tại nhà, người bệnh có thể uống một tách trà đen đặc hoặc nước đường, ngoài ra có thể sử dụng nước muối pha loãng hoặc nước giấm pha gừng theo tỷ lệ 2:1.

4. Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây náng hoa trắng

4.1. Cây náng hoa trắng chữa phì đại tuyến tiền liệt

Nguyên liệu cần chuẩn bị bao gồm 6g cây náng hoa trắng phơi khô, 10g ké đầu ngựa và 40g cây xạ đen. Sau đó đem tất cả các dược liệu đem đi rửa sạch, cho vào ấm và sắc chung với 1 lít nước sạch. Bệnh nhân phì đại tiền liệt tuyến uống nước sắc từ cây náng hoa trắng mỗi ngày sẽ giảm nhanh các triệu chứng. Theo các chuyên gia, thời gian điều trị là 1 tháng liên tục sẽ mang lại kết quả như ý.

4.2. Tác dụng cây náng hoa trắng chữa bệnh trĩ

Để chữa bệnh trĩ bằng cây náng hoa trắng, người bệnh có thể áp dụng 1 trong 2 cách sau:

  • Cách 1: Sử dụng 30g lá tươi cây náng hoa trắng nấu với 1 lít nước. Sau đó để nước nguội rồi sử dụng để vệ sinh hậu môn. Mỗi ngày thực hiện 1 lần vào buổi tối, đều đặn trong 1 tuần sẽ giúp kiểm soát tình trạng đau và làm búi trĩ co lại;
  • Cách 2: Sử dụng 1-2 lá cây náng hoa trắng tươi, đem đi rửa sạch và giã nát. Sau khi vệ sinh hậu môn bằng nước muối pha loãng hoặc dung dịch vệ sinh thì lấy phần bã lá được giã nát đắp lên búi trĩ. Người bệnh thường xuyên áp dụng cách này 1-2 lần mỗi ngày sẽ mang lại hiệu quả tiêu viêm, cải thiện tình trạng ngứa rát và khó chịu ở hậu môn.

4.3. Bài thuốc chữa bong gân và đau nhức xương khớp

Chuẩn bị 2-3 lá tươi cây náng hoa trắng, đem đi rửa sạch, để ráo và hơ nóng. Sau đó tiến hành đắp trực tiếp lên vùng xương khớp sưng đau hoặc vị trí bị bong gân. Các hoạt chất chứa trong cây náng hoa trắng sẽ thấm sâu, qua đó giúp giảm đau và nhức mỏi xương khớp hiệu quả.

Ngoài việc sử dụng riêng lẻ, người bệnh có thể kết hợp lá cây náng hoa trắng với các loại thảo dược khác để tăng hiệu quả chữa trị. Cụ thể có thể sử dụng 10g lá cây náng hoa trắng giã nát với 8g lá bạc thau và 10g lá dây đòn gánh, tiến hành đắp hỗn hợp dược liệu này lên vị trí đau và băng lại. Nếu áp dụng đều đặn sẽ giúp cải thiện hiệu quả tình trạng đau.

4.4. Cây náng hoa trắng chống nôn

Chuẩn bị khoảng 8-16g lá tươi cây náng hoa trắng, sau đó đem đi giã nát và vắt lấy nước cốt. Cuối cùng đem đi pha loãng thêm ít nước sạch và uống.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu hơn về cây náng hoa trắng có tác dụng gì? Nếu có bất kỳ băn khoăn thắc mắc nào về việc sử dụng, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.