Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây hương phụ có tác dụng gì?cung cấp tại Hoàng Mộc Can mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Cây hương phụ dược liệu là một loại thảo dược có vị cay đắng, ngọt ít được sử dụng trong việc điều hòa kinh nguyệt, chữa đau bụng kinh, sa trực tràng,… Nhưng cũng có nhiều trường hợp không nên sử dụng vì nó có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy cây hương phụ có tác dụng gì?
1. Đặc điểm củ hương phụ
Hương phụ từ lâu đã được xem là thần dược đối với phái đẹp. Cây hương phụ có tác dụng gì trong Y Học Cổ Truyền? Hương phụ dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Y Học Cổ Truyền. Sở dĩ được xem là thần dược của phái đẹp bởi trong thành phần của cây hương phụ có nhiều tác dụng dược lý giúp điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh,… đối với phụ nữ.
Thành phần cây hương phụ được sử dụng chủ yếu để bào chế dược liệu là củ hương phụ. Hương phụ có tên khoa học là Cyperus rotundus Linn và tên dược liệu là Rhizoma cyperi, ngoài ra, người Việt Nam cũng hay gọi cây hương phụ là cỏ cú, củ gấu, sa thảo, củ gấu vườn,…. thuộc họ Cói (Cyperaceae). Chi Cyperus thuộc họ Cói gồm hơn 700 loài, phân bố rộng rãi khắp thế giới, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam chi Cyperus có khoảng 45 loài, mọc ở khắp nơi, nhưng trừ vùng núi cao hơn 2000m. Thường gặp nhất là mọc tập trung ven biển trên các bãi cát từ Móng Cái đến Hà tiên, hoặc mọc hoang ở trên đồng ruộng,… Ngoài Việt Nam, cây hương phụ còn có thể bắt gặp nhiều ở một số nước châu Á như Indonesia, Nhật Bản. Hương phụ có một số đặc điểm sinh trưởng đặc biệt như:
- Đất trồng: Cây có thể phát triển mạnh mẽ ở trên nhiều loại đất khác nhau, kể cả đất cát ven biển…
- Là loài cây ưa sáng, chịu nắng và hạn tốt.
- Cỏ cú là loài cỏ dại, bởi vì sự ảnh hưởng không tốt của nó đối với cây trồng. Ngoài ra, do khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh, chỉ cần một mẩu rễ cũng có thể mọc thành cây hoàn chỉnh nên để tiêu diệt loài cỏ này thường rất khó khăn.
- Cây mọc ở vùng bờ biển, củ to dài và còn được gọi là hải Hương phụ.
- Thu hoạch: Sau khi thu hoạch bằng cách đào lên toàn cây, người ta sẽ đem phơi cho khô. Tiếp đến sẽ chất dược liệu thành đống rồi đốt để rễ con và lá cháy hết. Cuối cùng còn lại phần củ lấy riêng ra, rồi đem rửa sạch bụi bẩn, phơi hay sấy khô để sử dụng.
Hương phụ là cây cỏ sống lâu năm, chiều cao dao động từ 10 – 60 cm, thân rễ nằm dưới đất, phát triển thành củ hình thoi, dài từ 2 – 4 cm, đường kính từ 0,5 – 1 cm. Vỏ ngoài củ hương phụ có màu nâu thẫm hoặc nâu đen, nhiều đốt, trên đốt có lông, bên trong màu nâu nhạt, mùi thơm.
Cụm hoa ở đỉnh, phân bố tập trung, bông không đều và mỗi bông có trục nhẵn mang 3 – 20 bông nhỏ. Mỗi hoa mọc ở kẽ mỗi lá bắc gọi là vảy, hình trái xoan, có màu nâu đỏ. Đặc biệt, hoa không có tràng và đài hoa, nhị có 3 ô. Bao phấn hình dải, bầu thượng, 1 ô và 1 noãn. Vòi nhụy có hình dạng dài như sợi chỉ. Quả bế, màu đen hoặc xám đen, quả có 3 cạnh và bên trong quả có chứa 1 hạt. Ra hoa từ mùa hè tới mùa đông, nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 7.
Như đã nói, nguồn dược liệu chính của cây hương phụ đến từ phần rễ cây hay còn gọi là củ. Khi sử dụng nên thu hoạch những củ to mập, chắc thơm, sạch lông, cắt ra có thịt hồng hào. Củ hương phụ sử dụng làm dược liệu thường có hình thoi dài, kích thước khoảng 2 x 1 cm. Bên ngoài, dược liệu sẽ có màu nâu đen, mang vết tích còn sót lại của rễ con và có lông cứng, nhiều đốt ngang. Mặt cắt ngang phần củ thể hiện lớp biểu bì mỏng và mô mầm có màu hồng nhạt.
Củ hương phụ có mùi thơm đặc trưng, nếm thấy vị hơi đắng. Sau khi thu hoạch, phần dược liệu cần được bảo quản ở nơi khô thoáng, không mối mọt, tránh ánh nắng trực tiếp. Sau khi bào chế chỉ nên sử dụng trong vòng tối đa 20 ngày vì để lâu sẽ mất tác dụng của vị thuốc này.
2. Cách bào chế hương phụ dược liệu
Khi sử dụng loại dược liệu này có thể dùng sống sắc hay ngâm rượu tán bột tùy mục đích. Đem loại bỏ phần lông và tạp chất, sau đó nghiền vụn hoặc đem đi thái lát mỏng.
- Tứ chế: Lấy 1kg hương phụ, chia làm 4 phần: Một phần (250g) ngâm rượu 40%, giấm (5%) 200ml, nước tiểu trẻ em, nước muối 15%. Tùy theo mùa trong năm mà thời gian ngâm thuốc không giống nhau, thời tiết càng lạnh yêu cầu thời gian ngâm càng lâu. Cùng một lượng hương phụ như thế nếu ngâm vào mùa hè cần 1 ngày 1 đêm thì mùa đông sẽ phải ngâm 7 ngày 7 đêm. Tiếp đó, lấy tất cả dược liệu mỗi phần ra phơi hoặc sao cho khô, rồi trộn cả 4 phần lại.
- Ngoài ra, dân gian còn sử dụng Hương phụ thất chế.
- Hương Phụ Mễ: Lấy Hương phụ trộn trấu. Tiếp đó, giã sao cho loại bỏ được hết rễ con, rồi dùng.
- Sao thán: Phơi khô, sao cháy đen tồn tính, hạ thổ, để nguội và tán bột.
- Chế giấm: Thái dược liệu thành từng lát mỏng rồi ngâm với giấm rồi ủ qua đêm. Sau đó đem lên bếp sao vàng xong phơi khô. Tỉ lệ dược liệu 10kg thì cần có 2 lít giấm.
3. Cây hương phụ có tác dụng gì?
3.1. Thành phần hóa học của cây hương phụ
Cây hương phụ có các thành phần hóa học hết sức phong phú, bao gồm:
- Có từ 0,3 đến 2,8% thành phần là tinh dầu màu vàng, mùi thơm nhẹ đặc biệt của hương phụ. Thành phần chính của loại tinh dầu này là 32% cyperen, 49% rượu cyperola, axit béo, phenol, alkaloid, glycoside,….
- B-Pinene, Camphene, 1,8-Cineole, Limonene, p-Cymene, Selinatriene, b-Selinene, aCyperone, b-Cyporene, Patchoulenone, a-Rotunol, Cyperol, Isocyperol, Copadiene, Eppoxyguane, Cyperolone, Rotundone, Kobusone, Isokobusone, Glucose, Fructose.
- Ngoài ra, hương phụ còn có chất đắng với hệ số 1,333, pectin, tinh bột, chất béo, acid hữu cơ….
3.2. Tác dụng của hương phụ trong Y Học Hiện Đại
- Đối với tử cung
Cây hương phụ có tác dụng gì với tử cung? Chiết xuất cao lỏng hương phụ 5 % được thí nghiệm trên tử cung cô lập chuột lang, thỏ, mèo và chó đều sẽ có tác dụng ức chế co bóp tử cung, đồng thời giảm trương lực thành tử cung. Điều này cũng đã được chứng minh trên tử cung bình thường cũng như tử cung đang trong thời kỳ mang thai. So sánh với Đương quy, tác dụng ức chế co bóp tử cung của Hương phụ sẽ yếu hơn. Thành phần dầu chiết từ Hương phụ có tác dụng tương tự như hormone estrogen, nhưng không quá mãnh liệt
- Tác dụng giảm đau
Dịch chiết bằng cồn từ Hương phụ được thí nghiệm trên chuột nhắt trắng gây ra đau bằng kích thích điện, bằng đường tiêm dưới da với liều 0,5 ml/20 g có tác dụng tăng cao ngưỡng kích thích gây đau.
- Tác dụng ức chế thần kinh trung ương
Tinh dầu Hương phụ, thí nghiệm trên chuột nhắt trắng bằng đường tiêm phúc mạc với liều lượng 0,03 ml/ chuột, có tác dụng kéo dài thời gian gây ra ngủ của pentobarbital. Trên thỏ thí nghiệm thì tinh dầu Hương phụ tăng cường tác dụng gây mê của scopolamine. Về cơ chế tác dụng, qua thí nghiệm các nhà khoa học nhận thấy Hương phụ ức chế quá trình dẫn truyền các xung thần kinh qua synap của tế bào vùng hải mã và bó tháp, còn đối với dẫn truyền qua sợi trục thần kinh thì không hề có tác dụng ức chế.
- Các tác dụng khác
Cây hương phụ có tác dụng gì khác? Dạng chiết bằng ether dầu hỏa từ Hương phụ có tác dụng chống viêm và hoạt chất chống viêm chủ yếu là α-cyperen có tác dụng ức chế sự hình thành prostaglandin E2. Theo các tài liệu có nguồn gốc từ Ấn Độ, Hương phụ có mùi thơm, có tác dụng làm tăng tiết mồ hôi và lợi tiểu.
Dịch chiết methanol của thân rễ C. rotundus cho uống tại liều 250 mg/kg và 500 mg/kg cho thấy được tác dụng chống tiêu chảy đáng kể.
Tác dụng chống oxy hóa qua các thử nghiệm in vitro khác nhau được cho là do các hợp chất polyphenol có trong thân rễ C. rotundus. Dầu của C. rotundus có tác dụng kháng khuẩn mạnh ở trên vi khuẩn Gram dương như là Staphylococcus aureus và Enterococcus faecalis.
Một nghiên cứu khác cho thấy được tác dụng kháng khuẩn đáng kể trên Salmonella enteritidis, Staphylococcus aureus và Enterococcus faecalis do lượng oligomers flavonoids toàn phần và dịch chiết etyl acetat của C.rotundus.
Dịch chiết cồn của C. rotundus cho thấy tác động kháng viêm cao hơn hydrocortisone trong 2 mô hình gây viêm trên chuột bởi carrageenan và formaldehyde (75,9 % so với 47,3 % trong mô hình carrageenan; 55,1 % so với 35,6 % trong mô hình formaldehyde).
Một phân đoạn thu được khi chạy sắc ký từ dịch chiết ether của cây cho thấy được tác dụng hạ sốt tương tự như khi dùng acid acetyl salicylic trên cùng một mô hình động vật.
Dịch chiết ether và các dầu từ cây đã được chứng minh là có tác dụng giảm đau.
3.3. Tác dụng của hương phụ trong Y Học Cổ Truyền
Theo Y Học Cổ Truyền, hương phụ là dược liệu có vị cay đắng, ngọt ít, tính bình. Quy kinh: Kinh Can, Tam tiêu. Công dụng: Làm giảm bực tức, khó chịu, điều hòa kinh nguyệt, giảm đau, tiêu đờm,….
Cây hương phụ có tác dụng gì? Hương phụ dược liệu chủ trị: Đau, chướng bụng dưới, kinh nguyệt không đều, ung nhọt độc sưng đau, ăn uống không ngon, tiêu hóa kém…..
Vị Hương phụ sử dụng các phương pháp sao tẩm khác nhau và có tính năng công dụng không giống nhau.
- Hương phụ sống (chưa qua chế biến) sẽ có tác dụng giải cảm.
- Hương phụ sao đen có tác dụng cầm máu ở trong trường hợp rong kinh.
- Hương phụ tẩm nước muối sao chữa bệnh về huyết.
- Hương phụ tẩm đồng tiện (nước tiểu trẻ em) sao, có tác dụng giáng hỏa ở trong chứng bốc nóng.
- Hương phụ tẩm giấm sao có tác dụng tiêu tích tụ chữa các trường hợp huyết ứ, u bầm.
- Hương phụ tẩm rượu sao có tác dụng tiêu đờm.
- Hương phụ tử chế (tẩm muối, đồng tiện, giấm, rượu) được dùng để chữa các chứng bệnh của phụ nữ.
Hương phụ là một vị thuốc được dùng khá phổ biến ở trong Y Học Cổ Truyền, với nhận định: “Nam bất thiểu Trần bì, nữ bất ly Hương phụ” có nghĩa là chữa bệnh cho nam giới không thể thiếu trần bì và chữa bệnh cho nữ giới thì không thể thiếu Hương phụ.
Liều dùng hằng ngày: Từ 6 – 12 g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, thuốc cao hoặc thuốc viên. Thường dùng để phối hợp với các vị thuốc khác.
3.4. Một số bài thuốc từ hương phụ
- Trị chứng đau sườn ngực, đau bao tử: Hương phụ 8g, Ô dược 10g, Cam thảo 4g, đem tất cả sắc chung để uống, chia thành 2 lần uống trong ngày. Uống đều đặn cho đến khi dấu hiệu đau thuyên giảm.
- Trị hông sườn trướng đau: Hương phụ 10g, Lương khương 10g, cho tất cả vào ấm sắc thuốc uống, chia thành 2 lần uống trong ngày (trong sách Y Học Cổ Truyền gọi là Lương phụ hoàn)
- Trị đau bụng lạnh, khó chịu vùng bụng dưới: Hương phụ 10g, Diên hồ sách 8g, đem các nguyên liệu này sắc thành thuốc rồi uống hết trong ngày (có thể chia 2-3 lần uống)
- Trị đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt do tinh thần ức chế, đau tức vú: Hương phụ, Trần bì, Ngải diệp mỗi vị 20g, Nguyệt quế 2 đóa, đem tất cả nguyên liệu sắc lên rồi uống trong một ngày. Ngoài ra cũng có thể sử dụng Hương phụ 20g, Ích mẫu 15g, Ngải cứu 6g, Bạch đồng nữ 8g, thêm 300ml nước, đun sôi lọc bỏ bã thuốc rồi cho đường vào uống trong ngày. Đây là bài thuốc Cao hương ngải được nhiều người tin dùng và có hiệu quả cao.
- Trị rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon, nôn mửa, đầy bụng: Hương phụ 8g, Sa nhân 4g, Mộc hương 6g, Chỉ xác 8g, Đậu khấu nhân 6g, Hậu phác 12g, Hoắc hương 8g, Bạch truật 12g, Trần bì 12g, Phục linh 12g, Bán hạ 12g, Cam thảo 4g, Sinh khương 12g và Đại táo 5 trái. Đem tất cả dược liệu làm thành thang thuốc, cho vào ấm sắc rồi chia 2 – 3 lần uống trong ngày, uống hết thang thuốc.
Hương phụ được biết đến như một loại cây cỏ dại dân dã có sức sống mãnh liệt trong tự nhiên. Bên cạnh đó đây cũng là loại cây được sử dụng nhiều trong dân gian để bào chế các loại dược liệu nhằm chữa trị nhiều bệnh lý khác nhau. Đặc biệt, cây hương phụ có tác dụng gì đối với phụ nữ? Tác dụng dược lý mà hương phụ mang lại là khả năng điều hòa kinh nguyệt nữ giới, giảm đau bụng kinh, sa trực tràng,… nên hương phụ còn được coi là thần dược đối với các phái đẹp. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả vị thuốc này, người bệnh cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ để tránh những rủi ro và phản ứng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.