Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Các huyệt quan trọng trên cơ thể con ngườicung cấp tại Hoàng Mộc Can mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Huy Đức – Bác sĩ Y Học Cổ Truyền – Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông
Trong số hàng trăm huyệt đạo trên cơ thể, thì người ta nhận thấy ngoài những huyệt cơ bản thì còn có những huyệt đóng vai trò quan trọng với cơ thể. Bởi các huyệt này là những huyệt giúp phòng, điều trị bệnh hiệu quả và nó cũng tương ứng với những yếu điểm trên cơ thể cần bảo vệ.
1. Tổng quan về huyệt trên cơ thể
Huyệt theo đông y được định nghĩa là nơi thần khi hoạt động ra vào, được phân bổ khắp cơ thể trên da, cân, cơ, xương. Là nơi mà khí của tạng phủ tụ lại và tỏa ra khắp phần ngoài cơ thể.
Trên cơ thể chúng ta có các huyệt cơ bản, gồm gần 1000 huyệt khác nhau, được chia thành ba nhóm chính đó là huyệt trên đường kinh, huyệt ngoài đường kinh và các huyệt tại chỗ đau hay gọi là a thị huyệt. Theo Y Học Cổ Truyền cơ thể được chia thành 12 đường kinh chinh, 8 mạch, 12 kinh biệt và lạc mạch, các kinh mạch này nối tiếp với nhau để trở thành một hệ thống và liên hệ chặt chẽ với nhau để bảo vệ cơ thể.
Huyệt có liên hệ tới hoạt động sinh lý và bệnh lý của cơ thể, huyệt cũng có thể dùng để chẩn đoán và điều trị bệnh. Một số tác dụng của huyệt theo đông y gồm:
- Huyệt có tác dụng sinh lý: Huyệt có quan hệ rất chặt chẽ với kinh mạch và tạng phủ mà nó phụ thuộc. Ví dụ như các huyệt kinh bàng quang thì sẽ có liện hệ mật thiết với tạng bàng quang, kinh bàng quang và tổ chức khác có đường kinh bàng quang đi qua.
- Tác dụng trong bệnh lý: Huyệt là cửa ngõ khiến cho ngoại tà xâm nhập nếu chính khí của cơ thể không khỏe. Những bệnh lý của kinh lạc hay tạng phủ liên quan cũng ảnh hưởng và biểu hiện thông qua huyệt như thay đổi màu sắc, nhiệt độ, hình thái… Từ đó có thể giúp chẩn đoán bệnh thuộc các kinh lạc và tạng phủ tương ứng.
- Tác dụng phòng và điều trị bệnh: Huyệt còn là nơi tiếp nhận các kích thích khác nhau. Tác động lên huyệt với một lượng kích thích thích hợp có thể làm điều hòa được những rối loạn bệnh lý, thiết lập lại hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể. Tác dụng của huyệt sẽ gồm tác dụng theo đường kinh và tác dụng toàn thân. Ví dụ như Túc tam lý (hợp huyệt của kinh Vị) có tác dụng đối với chứng bệnh đau bụng, ngoài ra nó còn giúp điều hoà tỳ vị, tăng cường sức khỏe; huyệt Hợp cốc (là huyệt nguyên của kinh đại trường) dùng để chữa các bệnh lý như rối loạn chức năng đại tràng, còn được dùng để chữa chứng đau răng, hạ sốt, liệt VII…
2. Các huyệt quan trọng trên cơ thể
Trong số vô vàn các huyệt trên cơ thể, huyệt nào cũng có những tác dụng của nó. Nhưng trong số các huyệt đó thì một số huyệt được sử dụng rất thường xuyên, có hiệu quả điều trị và phòng bệnh cao, tương ứng những điểm quan trọng trên cơ thể. Các huyệt quan trọng trên cơ thể bao gồm:
- Huyệt Bách hội
Trên cơ thể gồm có 12 chính kinh, trong đó có 6 kinh âm và 6 kinh dương. Huyệt Bách hội là nơi các kinh dương hội tụ. Huyệt nằm trên giữa đỉnh đầu, nơi mà thiên khí của trời đi vào cơ thể. Được dùng để điều trị chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, hay quên… Ngoài ra, vị trí của huyệt bách hội cũng tương ứng với một yếu điểm trên cơ thể, nếu bị tác động một lực mạch sẽ gây tổn thương kinh mạch, tổn thương trực tiếp não bộ rất nguy hiểm.
Dùng tay day hay ấn huyệt bách hội giúp giải tỏa căng thẳng, tăng cường giấc ngủ.
- Huyệt Hợp cốc
Huyệt Hợp cốc nằm ở vị trí gặp nhau của xương bàn tay ngón 1 và 2. Huyệt được xác định bằng cách vuốt dọc theo xương bàn ngón 2, đến điểm nào bị mắc lại thì đó chính là huyệt hợp cốc.
Huyệt Hợp cốc là huyệt nguyên của kinh đại trường, huyệt tổng vùng đầu mặt. Huyệt có tác dụng điều trị các bệnh vùng đầu mặt như đau răng, liệt VII, đau đầu, ngứa mắt, nghẹt mũi, còn có tác dụng điều trị ra mồ hôi tay, đau nhức bàn tay, đau vai…
Có thể day hoặc ấn huyệt bằng ngón tay cái, khi ấn sẽ có cảm giác căng tức. Chú ý huyệt có thể làm tăng co bóp tử cung, nên không được bấm cho phụ nữ mang thai hay nghi ngờ có thai.
- Huyệt Đản trung
Huyệt Đản trung thuộc mạch nhâm, vị trí nằm trên xương ức, ngang với khoang liên sườn 4. Có thể đo huyệt bằng cách nằm ở chính giữa của đường nối 2 núm vú.
Đản trung là huyệt hội của khí nên được dùng để điều trị các bệnh về khí. Được dùng để trị đau tức ngực, khó thở, đau tức ở vùng tim, đau dây thần kinh liên sườn, hồi hộp, đánh trống ngực, tăng lượng sữa mẹ.
Dùng ngón tay cái nhẹ nhàng day huyệt theo chiều kim đồng hồ. Khi day sẽ có cảm giác căng tức nặng là đúng vị trí. Với trẻ em nên dùng lực nhẹ bởi xương của trẻ chưa vững chắc.
- Huyệt Cao hoang
Đây là một trong các huyệt kinh bàng quang, vị trí nằm ở ngang mức đốt sống ngực 4 đo sang 3 thốn, sát với bờ xương bả vai.
Các thầy thuốc đều coi bệnh nặng thường chữa ở huyệt Cao hoang. Huyệt được dùng để chữa bệnh như khó thở, viêm phế quản, đau lưng, đau vai, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, di tinh, mộng tinh, một số người dùng trị suy tủy xương…
Bấm huyệt Cao hoang hoặc châm cứu giúp phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng và ngăn ngừa tà khí xâm nhập.
- Huyệt Quan nguyên
Quan nguyên là chỉ vị trí cửa của nguyên khí, vị trí từ rốn đo xuống dưới 3 thốn. Huyệt Quan nguyên còn được gọi là đan điền, là một vùng rất quan trọng để nạp khí ở những người tập thiền và khí công.
Tác dụng của huyệt quan nguyên gồm trị đau bụng dưới, ăn không tiêu, chướng bụng, di mộng tinh, sinh lý yếu, rối loạn tiêu hóa, còn được dùng để trị những người bị rối loạn tiểu tiện… Ngoài ra có tác dụng nâng cao chính khí, bồi bổ cơ thể.
Bấm huyệt Quan nguyên sẽ có cảm giác tức nặng là đúng vị trí. Những người có thai không nên bấm hay châm cứu huyệt quan nguyên.
- Huyệt Khí hải
Huyệt Khí hải là một huyệt nằm trên mạch nhâm. Vị trí của huyệt khí hải là dưới rốn 1,5 thốn.
Đây là một huyệt rất quan trọng giúp bồi bổ nguyên khí, nâng cao chính khí, điều trị chứng đau bụng, kinh nguyệt không đều, rối loạn tiểu tiện.
Huyệt khí hải có thể châm cứu, bấm huyệt nhưng lưu ý không nên châm cho người mang thai.
- Huyệt Mệnh môn
Mệnh là sinh mệnh, môn là cửa. Mệnh môn còn được gọi là mệnh môn hoả, là vị trí chứa dương khí của cơ thể, gốc của cơ thể. Huyệt nằm ở vị trí giữa cột sống thắt lưng 2 và 3, nằm trên mạch đốc. Đây là huyệt rất quan trọng với cơ thể, được sử dụng để sinh nhiệt làm ấm cơ thể, trị đau nhức vùng thắt lưng, đau đầu, người mệt mỏi, chân tay lạnh, tiểu đêm, di tinh, mộng tinh.Khi xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu đúng vị trí huyệt sẽ thấy cảm giác căng tức và có cảm giác như một ngọn lửa đang cháy. Tuy nhiên, cần chú ý nếu châm thì không châm kim quá sâu vì có thể ảnh hưởng đến tủy sống.
- Huyệt Túc tam lý
Huyệt được gọi tên đó là vì khi tác động vào huyệt này sẽ giúp bạn đi bộ thêm được 3 dặm. Huyệt túc tam lý là huyệt hợp của kinh vị, có có tác dụng điều hòa trung khí, tiêu trệ hóa thấp, điều hòa kinh lạc khí huyết; là một trong những huyệt thường dùng để chữa các bệnh thuộc hệ thống tiêu hóa. Tỳ vị được coi là gốc của hậu thiên, rất quan trọng, nên lúc nào huyệt túc tam lý cũng cần được bồi bổ.Vị trí của huyệt là chỗ lõm bờ ngoài xương bánh chè (tương ứng huyệt Độc Tỵ) đo xuống 3 thốn và ra ngoài 1 khoát ngón tay.Ứng dụng trong việc nâng cao sức đề kháng, bấm thường xuyên tăng tuổi thọ, chữa rối loạn tiêu hoá, đau dạ dày, đau cẳng chân, đau thần kinh tọa…Có thể châm cứu, bấm huyệt bằng cách dùng ngón cái ấn xoay theo chiều kim đồng hồ. Lưu ý trẻ dưới 7 tuổi không nên châm.
- Huyệt Dũng tuyền
Dũng là mạnh mẽ, tuyền là khe suối. Huyệt nằm ở của khe lòng bàn chân, tương tự như khe suối nên được gọi tên là Dũng tuyền.
Nếu như Bách hội là huyệt trao đổi khí với trời thì dũng tuyền là huyệt trao đổi khí với đất. Đây là một huyệt thuộc kinh thận, có tác dụng điều trị chứng tiểu đêm, chân tay lạnh, đau gan bàn chân, mất ngủ…
Nên bấm huyệt này bằng một vật có đầu tù, vì ấn bằng tay hơi khó để vào được huyệt hoặc cứu bằng điếu ngải.
Các huyệt quan trọng trên cơ thể là những huyệt tác dụng điều trị và dùng để phòng bệnh. Theo quan điểm về Y Học Cổ Truyền thì các huyệt đó là những phần trọng điểm nếu bị tổn hại sẽ ảnh hưởng tới nguyên khí hay làm ảnh hưởng tới sự cân bằng âm dương.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.