Cát căn có tác dụng gì cho sức khỏe?

Cát căn có tác dụng gì cho sức khỏe?

Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cát căn có tác dụng gì cho sức khỏe?cung cấp tại Hoàng Mộc Can mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.

Nhắc đến sắn dây chắc hẳn ai cũng biết, nhưng nói đến cát căn thì hẳn nhiều người vẫn không biết đây là gì? Thực tế cát căn là tên gọi khác của sắn dây, đây là một dược liệu thường được sử dụng trong Đông y để làm một số bài thuốc điều trị bệnh. Vậy cụ thể cát căn có tác dụng gì, dùng để chữa bệnh gì? Hãy cùng tìm hiểu về vị thuốc này trong bài viết sau đây, để từ đó biết cách sử dụng dược liệu đúng cách, đúng mục đích trị bệnh hiệu quả hơn.

Mục lục

1. Thông tin về tên gọi, đặc điểm, thành phần hóa học của cát căn

1.1. Tên gọi

Cát căn còn có tên gọi khác là Củ sắn dây, Bạch cát, Cam cát căn, Phấn cát. Cát ăn có tên khoa học là Pueraria thomsonii Benth, tên dược là Radix Puerariae, thuộc họ Cánh bướm/ Đậu (danh pháp khoa học là Fabaceae).

1.2. Đặc điểm của cát căn

Cát căn là một vị thuốc nam quý cây ở dạng dây leo. Rễ phát triển thành củ to, mập mạp, chắc, nạc và có nhiều bột. Thân và cành hơi có lông, lá dạng kép gồm 3 lá chét, phiến lá hình trứng, mép lá nguyên có chiều rộng 5 – 12cm và dài 7 – 15cm, mọc so le với nhau. Lá chét ở giữa và lớn hơn 2 lá còn lại, cuống dài 1,4 – 1,6cm, lá kèm hình mác nhọn.

Hoa của cây cát căn mọc thành chùm dài 14 – 30cm, có màu xanh tím hoặc xanh lơ, có mùi thơm. Quả dạng đậu dài khoảng 8cm, giữa các hạt vỏ thường thắt lại, vỏ quả được phủ lớp lông màu vàng nâu. Cây ra hoa vào tháng 9 – 10 hàng năm, sai quả vào tháng 11 – 12.

1.3. Bộ phận dùng

Theo Y học cổ truyền thì rễ củ được dùng làm thuốc, ngoài ra hoa của cây cũng có thể được dùng làm thuốc được gọi là cát hoa.

1.4. Thành phần hóa học

Qua nghiên cứu, Cát căn có chứa các thành phần hóa học như: Arachidic acid, Puerarin – Xyloside, Puerarin, Daidzein, Daidzin, b-Sitosterol, 7-Diglucoside, 4-Methoxypuerarin, Genistein, Formononetin…

1.5. Phân bố

Cát căn vốn có nguồn gốc hoang dại, thường mọc ở ven rừng hoặc theo hành lang ven suối ở độ cao đến 2000m. Cây có vùng phân bố rộng từ Ấn Độ, Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma, Thái Lan, Malaysia… Sắn dây còn được nhập sang vùng Nam Hoa Kỳ và một số nước ở Nam châu Mỹ.

Hiện nay, cát căn đã trở thành cây trồng phổ biến ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào và hầu hết các nước khác ở vùng Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, Cát căn cũng được trồng ở các tỉnh từ miền núi đến đồng bằng. Cây ưa sáng, có thể sinh trưởng phát triển tốt trên nhiều loại đất và ở các vùng khí hậu khác nhau.

2.Cát căn có tác dụng gì?

Theo nghiên cứu của y học cổ truyền và y học hiện đại cho thấy, cát căn mang lại rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe người dùng, cụ thể như là:

2.1.Tác dụng của cây cát căn trong Đông y

Trong Đông y, Cát căn có vị ngọt, cay, tính bình và không độc, nước cốt rễ dùng sống thì có tính hàn. Cát căn quy vào kinh Bàng quang, Tỳ, Vị và Phế.

Dược liệu có tác dụng tán nhiệt, giải biểu, tuyên độc, sinh tân dịch, thấu chẩn, thoái nhiệt, chỉ khát, chỉ tả, giải co giật, giải độc rượu, giải cơ và thăng đề Vị khí. Dùng để chủ trị sỏi thời kỳ đầu, tiêu chảy, chứng biểu nhiệt, đau trước trán, gáy đau vai cứng, tà ở kinh dương minh, lưng sau cứng…

2.2. Tác dụng của cây cát căn trong y học hiện đại

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy cắt căn mang lại một số tác dụng như là:

  • Thực nghiệm trên động vật nhận biết được nước sắc của dược liệu có tác dụng giải nhiệt mạnh.
  • Thực nghiệm ở chuột cho thấy, thành phần Daidzein trong dược liệu có thể làm giãn cơ ruột, cơ chế hoạt động tương tự như Spasmaverine.
  • Cát căn giúp làm tăng lưu lượng máu trong động mạch vành và não ở những người bị xơ vữa động mạch.
  • Nước sắc dược liệu có thể giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh huyết áp cao (58%) và giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh (33%).
  • Dùng phối hợp nước sắc dược liệu kèm theo với vitamin B có thể hỗ trợ điều trị tình trạng bị điếc đột ngột.
  • Dược liệu còn có tác dụng tiêu viêm, giãn co thắt cơ, thu liễm.

3. Cách dùng – liều lượng

Dược liệu cát căn được thường dùng ở dạng sắc và ép lấy nước là chủ yếu với liều lượng mỗi ngày dùng từ 4 – 40g.

4. Bài thuốc chữa bệnh từ cát căn

Theo kinh nghiệm dân gian thì cát căn thường được dùng trong các bài thuốc điều trị một số triệu chứng, bệnh lý như:

4.1. Bài thuốc cát căn chữa chứng cổ cứng, sợ gió, miệng khát, không có mồ hôi

Chuẩn bị: Cát căn 12g, Ma hoàng và sinh khương (cắt lát) mỗi vị 9g, thược dược, quế chi (bỏ vỏ) và cam thảo mỗi vị 6g, đại táo 12 quả.

Thực hiện: Các dược liệu sắc với 1 lít nước cho đến khi còn lại 0,3 lít thì chắt lấy nước chia thành 3 lần uống.

4.2. Bài thuốc cát căn trị sởi mọc không đều ở trẻ nhỏ

Chuẩn bị: Cát căn 5-10g, Ngưu bàng tử, cam thảo và thăng ma mỗi vị 10g.

Thực hiện: Cho các vị thuốc vào sắc lấy nước uống ngày 1 thang cho đến khi khỏi.

4.3 Bài thuốc cát căn giúp giảm đau, hạ sốt

Chuẩn bị: Cát căn, bạch chỉ và địa liền.

Thực hiện: Chế thành viên với mỗi viên gồm 0,03g địa liền, 0,1g bạch chỉ và 0,12g cát căn). Ngày dùng 2 – 3 lần với liều lượng mỗi lần dùng 2 – 3 viên.

4.4. Bài thuốc cát căn chữa viêm dạ dày, viêm ruột và lỵ kèm sốt

Chuẩn bị: Cát căn, hoàng cầm, cam thảo và hoàng liên bằng lượng nhau.

Thực hiện: Chế thành cao rồi làm thành viên khoảng 0,623g và ngày dùng 3 lần, mỗi lần 3-4 viên.

4.5. Bài thuốc trị chứng tổn thương gân ra máu từ cát căn

Chuẩn bị: Cát căn tươi.

Thực hiện: Giã lấy nước uống, còn bã thì dùng đắp trực tiếp ở nơi đau nhức.

4.6. Bài thuốc cát căn giải độc do uống thuốc quá liều

Chuẩn bị: Cát căn khô.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống.

4.7. Bài thuốc cát căn hỗ trợ trị cao huyết áp

Chuẩn bị: Cát căn thái phiến và câu đằng bằng lượng nhau.

Thực hiện: Tán vụn rồi phơi khô và trộn đều bảo quản trong lọ kín. Mỗi lần dùng khoảng 30g bọc trong túi vải rồi hãm với nước sôi khoảng 30 phút và dùng uống thay nước trà.

4.8. Bài thuốc chữa ngộ độc sinh bứt rứt, bồn chồn, nôn mửa và phát cuồng

Chuẩn bị: Cát căn.

Thực hiện: Sắc uống.

4.9. Bài thuốc cát căn trị đau nhức vùng thắt lưng

Chuẩn bị: Cát căn sống.

Thực hiện: Nhai sống và nuốt nước cho đến khi khỏi.

4.10. Bài thuốc trị thời khí kèm sốt cao và nhức đầu

Chuẩn bị: Cát căn sống và 1 chén đậu xị.

Thực hiện: Cát căn đem rửa sạch, giã nát lấy một chén nước cốt lớn. Sau đó thêm đậu xị vào sắc cho đến khi còn 6 phân, vớt bỏ bã và chia thành nhiều lần uống. Khi nào ra mồ hôi là được, còn nếu mồ hôi chưa toát ra thì nên uống tiếp.

4.11. Bài thuốc trị chứng thương hàn, nóng sốt, mạch hồng, nhức đầu

Chuẩn bị: Cát căn 60g, Đậu xị 1 thăng, 2 tô nước lạnh.

Thực hiện: Đem các nguyên liệu cho vào ấm sắc còn nửa thăng, sau đó thêm 1 ít gừng và dùng uống hàng ngày.

4.12. Bài thuốc cát căn trị chứng chảy máu mũi không cầm được

Chuẩn bị: Cát căn sống.

Thực hiện: Ép lấy nước rồi chia thành 3 lần uống sẽ khỏi.

4.13. Bài thuốc trị ngộ độc rượu (người phát sốt, nôn ra máu, đi tiểu ra máu, tỳ vị hư tổn)

Chuẩn bị: Hoa cát căn 30g, Hoàng liên 4g, bột cam thảo 15g và hoạt thạch (thủy phi) 30g.

Thực hiện: Tán các vị thành bột rồi trộn với nước làm thành viên và mỗi lần dùng 3g uống với nước mát.

4.14. Bài thuốc phòng nhiệt bệnh do trúng gió độc

Chuẩn bị: Cát căn 2 thăng, Sinh địa 1 thăng, hương kỷ 1⁄2 thăng.

Thực hiện: Các vị thuốc trên tán thành bột mịn, ngày dùng 3 lần sau khi ăn, uống cùng với nước cơm. Còn nếu mắc bệnh thì ngày dùng 5 lần.

4.15. Bài thuốc cát căn trị chứng nhiệt khát ở trẻ nhỏ

Chuẩn bị: 20g cát căn.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống.

4.16. Bài thuốc trị chứng viêm tủy xám ở trẻ nhỏ

Chuẩn bị: Cát căn và thạch cao mỗi vị 8g, hoàng cầm, kim ngân hoa và bạch thược mỗi vị 4g, toàn yết 2 con, hoàng liên 2,8g, ngô công 2 con, cam thảo 2g.

Thực hiện: Đem các vị thuốc trên sắc cùng với nhau và lấy nước uống hàng ngày.

4.17. Bài thuốc cát căn trị tâm nhiệt nôn ra máu không cầm được

Chuẩn bị: Cát căn tươi.

Thực hiện: Vắt lấy nước cốt uống vào là khỏi.

4.18. Bài thuốc cát căn chữa chứng nôn khan kéo dài

Chuẩn bị: Cát căn sống.

Thực hiện: Đem giã nát rồi lấy một bát nước uống là khỏi.

4.19. Trị chứng sốt ở phụ nữ mang thai bằng cát căn

Chuẩn bị: Cát căn.

Thực hiện: Sắc lấy 2 thăng nước rồi chia làm 3 lần uống là khỏi.

4.20. Trị viêm ruột cấp tính, lỵ khiến người bứt rứt, bị sốt từ cát căn

Chuẩn bị: Cát căn và hoàng cầm mỗi vị 12g, hoàng liên 4g.

Thực hiện: Các vị thuốc trên đem sắc lấy nước uống.

4.21. Bài thuốc cát căn trị chứng phiền táo nóng khát

Chuẩn bị: Bột cát căn 160g.

Thực hiện: Đầu tiên dùng nước tẩm cám tẩm gạo nửa thăng qua 1 đêm, sau đó vớt ra nồi và cho nước khác vào, khuấy đều và nấu chín, rồi trộn với bột cát căn và dùng ăn trực tiếp.

4.22. Bài thuốc trị sốt khiến người nóng nảy, khát nước và bực dọc

Chuẩn bị: Cát căn 12g, cam thảo và tri mẫu mỗi vị 8g, sinh thạch cao 20g.

Thực hiện: Đem các vị thuốc trên vào ấm sắc lấy nước uống.

4.23. Trị chứng sốt cao, nôn mửa ở trẻ nhỏ bằng bài thuốc từ cát căn

Chuẩn bị: Bột cát căn 80g.

Thực hiện: Đem sắc lấy 2 chén nước cốt và trộn đều, rồi chưng cách thủy ăn như cháo.

4.24. Bài thuốc chữa chứng cảm mạo

Chuẩn bị: Cát căn 8 – 12g, thạch cao 16g, sài hồ 4g, khương hoạt, bạch thược, hoàng cầm và bạch chỉ mỗi vị 4 – 8g, gừng tươi 3 lát và đại táo 2 quả.

Thực hiện: Đem các vị thuốc trên làm thành 1 thang và sắc lấy nước uống.

4.25. Bài thuốc trị chứng cảm mạo, nhức đầu, đau mắt, khó ngủ, chân tay mỏi, yếu

Chuẩn bị: Cát căn và thạch cao mỗi vị 8g, khương hoạt, thược dược, hoàng liên, sài hồ và bạch chỉ mỗi vị 4g, sinh khương 3 lát, đại táo 2 quả.

Thực hiện: Cho các vị thuốc đã chuẩn bị vào ấm và sắc lấy nước uống.

4.26. Bài thuốc cát căn trị chứng sởi mới phát

Chuẩn bị: Cát căn, ngưu bàng tử và kinh giới mỗi vị 12g, liên kiều 16g, cát cánh và uất kim mỗi vị 8g, cam thảo và thuyền thoái mỗi vị 4g.

Thực hiện: Các dược liệu trên làm thành 1 thang và sắc lấy nước uống.

27. Bài thuốc trị chứng tiểu đường

Chuẩn bị: Cát căn 16-20g, mạch môn 12 – 16g, ngũ vị tử 6 – 8g, sa sâm, khổ qua, đơn bì, thạch hộc và thỏ ty tử mỗi vị 12g, cam thảo 3g.

Thực hiện: Các dược liệu trên cho vào ấm và sức cùng với nước, lấy nước uống mỗi ngày 2-3 lần.

4.28. Bài thuốc chữa chứng đổ nhiều mồ hôi từ cát căn

Chuẩn bị: Bột cát căn và thiên hoa phấn mỗi thứ 5g, hoạt thạch 20g.

Thực hiện: Dùng các vị ở dạng bột và trộn đều với nhau và rắc lên vùng da cần điều trị.

4.29. Chữa chứng tăng huyết áp làm đau cứng vùng cổ

Chuẩn bị: Cát căn 20g.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống.

4.30. Bài thuốc chứng khát nước, phiền táo, bụng nóng cồn cào từ cát căn

Chuẩn bị: Bột cát căn 120g, gạo tẻ 15g.

Thực hiện: Ngâm gạo tẻ với nước qua 1 đêm, hôm sau đem bỏ bớt nước và trộn đều với bột cát căn, nấu cháo ăn 2 lần/ ngày.

5. Một số lưu ý khi sử dụng cát căn làm bài thuốc chữa bệnh

Cát căn (củ sắn dây) là một vị thuốc nam quen thuộc và lành tính, mang lại nhiều tác dụng cho sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả sử dụng và đảm bảo an toàn thì khi sử dụng dược liệu này, người dùng cần lưu ý:

  • Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, thầy thuốc trước khi có ý định sử dụng dược liệu trong thời gian dài. Để bác sĩ, thầy thuốc đưa ra những lời khuyên, chỉ định tốt nhất.
  • Không dùng cát căn cho những trường hợp âm hư hỏa vượng, thương thực hạ hư. Bên cạnh đó, cần thận trọng khi dùng cho người đang bị sốt nóng mà lại sợ lạnh.
  • Không nên lạm dụng dược liệu quá nhiều để tránh gây ra các tác dụng không mong muốn. Hãy dùng dược liệu theo đúng hàm lượng được khuyến cáo để đạt được hiệu quả tốt nhất.
  • Không được sử dụng dược liệu đã bị đổi màu hoặc có mùi lạ sẽ gây ra những tác dụng không mong muốn như đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy…
  • Kết hợp bài thuốc từ cát căn với duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học để tăng hiệu quả của các bài thuốc chữa bệnh.
  • Nếu trong quá trình sử dụng dược liệu mà thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường thì nên đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và xử lý hiệu quả.

Qua những thông tin trong bài viết này hy vọng đã giúp mọi người biết được cát căn có tác dụng gì cho sức khỏe? Và các bài thuốc, cách dùng dược liệu hiệu quả. Tuy nhiên, những thông tin về cát căn ở trên chỉ mang tính tham khảo. Để được điều trị bệnh tốt nhất, nhanh chóng nhất thì bạn nên tìm đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ có chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.