Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Công dụng cây thuốc độc hoạtcung cấp tại Hoàng Mộc Can mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Cây thuốc độc hoạt hay còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như khương thanh, độc diêu thảo, trường sinh thảo,… Đây là một loại cây sống lâu năm và là một vị thuốc quý hiện nay chưa trồng được ở Việt Nam, với bộ phận chính được sử dụng là thuốc đó là thân và rễ cây. Vậy công dụng cây thuốc độc hoạt là gì?
1. Thông tin về cây thuốc độc hoạt
Cây thuốc độc hoạt hay còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau bao gồm khương thanh, độc diêu thảo, hộ khương sứ giả, hồ vương sứ giả, độc hoạt, thanh danh tinh, trường sinh thảo, sơn tiên độc hoạt, xuyên độc hoạt, địa đầu ất hộ ấp. Tên khoa học của cây độc hoạt là Angelica laxiflora Diels hay Angelica megraphylla Diels với họ hoa tán Apiaceae. Độc hoạt là một loại cây mà thân và rễ là của nhiều loại cây độc hoạt khác nhau.
Cây hương độc hoạt hay mao đương quy còn được gọi là đương quy có lông, một loại cây sống lâu năm với chiều cao khoảng 0,5 đến 1 mét, có màu hơi tím, thân cây mọc thẳng đứng có rãnh dọc và nhẵn không có lông. Lá hương độc hoạt kép 2-3 lần lông chim, lá chét nguyên hoặc lại chia thùy, mép lá có răng cưa tù không nhọn, cuống lá nhỏ và phía dưới nở rộng thành hình bẹ có dìa mỏng. Trên gân lá có lông thưa và ngắn. Cụm hoa độc hoạt tán kép gồm có từ 10-20 cuống tán. Hoa độc hoạt có kích thước nhỏ, màu trắng, quả độc hoạt bế đôi và có hình thoi dẹt trên lưng có sống và hai bên phát triển thành dìa.
Cây ngưu vị độc hoạt hay còn được độc hoạt đuôi trâu cũng là loại cây sống lâu năm với chiều cao chừng 0,5-1,5 mét, cây ngưu vị có rễ chính to thô, đôi khi có thể xuất hiện một số rễ con dài, thân cây ngưu vị độc hoạt mọc thẳng đứng trên mặt có rãnh dọc, hơi có lông ngắn. Lá cây ngưu vĩ độc hoạt là lá kép 1 lần lông chim, phiến lá chét dài khoảng 5-13 cm và rộng từ 4-20 cm, mép lá có răng cưa thô, cuống lá dài khoảng 8-17 cm, phía dưới phát triển thành bẹ. Cụm hoa ngưu vĩ độc hoạt hình tán kép, mọc ở đầu cành, một cụm có tổng hoa tán 15-20 cuống và có chiều dài từ 3,5-9 cm, tán nhỏ gồm khoảng 30 hoa nhỏ có màu vàng trắng. Quả có hình thoi dẹt, bế đôi, trên lưng sống không rõ và hai bên phát triển thành dìa.
Cây cửu nhãn độc hoạt hay còn được gọi là độc hoạt chín mắt thuộc họ Ngũ gia bì. Cửu nhãn độc hoạt là cây sống lâu năm có chiều cao từ 1-2 mét, thân mọc thẳng đứng có nhiều cành, cành cây già gần như không có lông thưa ngắn. Lá cửu nhãn độc hoạt mọc so le và kép 2-3 lần lông chim có thể dài khoảng 30-40 cm, lá chét có cuống ngắn với chiều dài khoảng 4-12 cm và chiều rộng khoảng 2-9 cm, mép có răng cưa nhọn. Cụm hoa hình tán kép, cuống tán kép dài từ 4,5-11cm, với những tán nhỏ gồm có 20-35 hoa nhỏ màu vàng nhạt hoặc màu trắng. Quả cửu nhãn độc hoạt mọng hình cầu, dài từ 2-3 cm trong đó có 5 hạt.
2. Phân bố và thu hoạch
Cây thuốc độc hoạt là một cây thuốc quý phát hiện ở Trung Quốc và hiện nay vẫn chưa trồng được ở Việt Nam. Cây thuốc độc hoạt thường được thu hoạch vào mùa thu khi lá đã khô hoặc vào đầu mùa xuân khi cây đã bắt đầu ra lá non thì đào để lấy rễ sau đó phơi trong râm rồi sấy khô. Cây thuốc độc hoạt có hình dáng trụ hơi tròn, phần dưới nhỏ phần trên to, đầu dưới có phân nhánh, dài khoảng 10-20 cm, rễ có đường kính dài khoảng 3,3 cm. Mặt ngoài của rễ có màu nâu hoặc nâu vàng, đỉnh trên còn ít gốc hoặc thậm chí lõm xuống, phần đầu rễ có xuất hiện nhiều vân nhăn ngang và toàn bộ có vân nhăn dọc. Bên cạnh đó còn có nốt nhỏ mọc ngang lồi lên và vết sẹo nhỏ hơi nổi lên. Chất đặc và chắc, khi cắt ra có thấy nhiều chấm dầu màu nâu rải rác hoặc xếp thành vòng, xung quanh mép có màu trắng, ở bên trong có những vòng màu nâu, chính giữa là màu nâu tro. Vị thuốc có mùi thơm đặc biệt, vị đắng hơi hắc và hơi tê lưỡi.
3. Thành phần hóa học và công dụng dược lý của cây độc hoạt
Trong cây thuốc độc hoạt có những thành phần hóa học bao gồm:
- Angelicone, Angelic acid, Bergaptenostholum belliferone, Angeloi, Linoleic acid, Oleic acid, Tiglic acid, Palmitic acid, Sterol, Scopoletin, Stearic acid, Dầu thực vật.
- Columbianetin acetate, Columbianetin, Isoimperatorin, Osthol, Bergapten, Xanthotoxin.
- Columbianadin, Columbianetin-b-D-Glucopyranoside.
- Ampubesol, Angelol D, G, B.
- G-Aminobutyric acid
Những công dụng dược lý của cây thuốc độc hoạt bao gồm:
- Vị thuốc độc hoạt có nhiều công dụng khác nhau bao gồm: giảm đau, kháng viêm và an thần
- Đối với thuốc sắc và thuốc nước độc hoạt đều có tác dụng làm hạ huyết áp nhưng trong thời gian ngắn. Độc hoạt chích tĩnh mạch còn có tác dụng giúp trung khu hô hấp hưng phấn. Đồng thời còn có những thành phần có tác dụng ức chế ngưng tập kết tiểu cầu trên ống xét nghiệm.
- Độc hoạt có thành phần chống loét bao tử và chống co thắt đối với hồi tràng thỏ.
- Theo một số tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc thì độc hoạt có tên là angolica dahunca có tác dụng ức chế trực khuẩn lao, trực khuẩn lỵ, thương hàn, đại trường, trực khuẩn mủ xanh và phẩy khuẩn tả.
4. Công dụng của cây thuốc độc hoạt
Cây thuốc độc hoạt có vị đắng, tính bình cùng với những công dụng sau:
- Trừ phong thấp, giải biểu và chỉ thống
- Khứ phong, tán hàn, chỉ thông và thắng thấp
- Khư phong và thắng thấp
- Chủ phong hàn, kim sang với phụ nữ bị chứng sán hà uống vị thuốc độc hoạt lâu ngày người khỏe nhẹ.
- Trị các loại phong và các tình trạng đau khớp do phong
- Trị các loại phong thấp lạnh, hen suyễn, nghịch khí và tình trạng da cơ địa dị ứng gây ngứa khó chịu chân tay giật đau, phong độc đau, lao tổn.
- Trị chứng phong bao gồm phong hàn biểu chứng, phong thấp tý thống, thiếu âm đầu thông hoặc ngứa ngoài da do thấp.
- Trị chứng phong hàn thấp tý, chân tay co rút, lưng gối đau, viêm phế quản mạn tính, đau đầu.
- Trị phong thấp, đau thắt lưng đùi, phong hàn biểu chứng.
5. Các bài thuốc từ cây độc hoạt
Một số bài thuốc có sử dụng vị thuốc độc hoạt trong điều trị bệnh bao gồm:
- Điều trị răng sưng đau: Điều trị răng sưng đau bằng cách lấy vị thuốc độc hoạt nấu với rượu sau đó ngậm. Nếu cảm thấy không có tác dụng thì sử dụng độc hoạt và địa hoàng mỗi vị 120 gram, tán thành bột, mỗi lần sử dụng 12 gram sắc với một chén nước và uống nóng. Uống thuốc xong nằm nghỉ một lát rồi uống tiếp.
- Điều trị lạnh toàn thân, trúng phong cấm khẩu: Lấy 160 gram độc hoạt và rượu 1 thăng, sắc lên còn nửa thăng và cho người bệnh uống.
- Trị trúng phong không nói được: sử dụng 40 gram độc hoạt sắc cùng với 2 thăng rượu, sắc cho đến khi còn 1 thăng. Đại đậu 5 chén sao, sau đó lấy rượu nóng nấu cùng và uống ngay khi lúc thuốc còn nóng.
- Trị các chứng phong hư sau khi sinh: sử dụng các vị thuốc bao gồm độc hoạt, bạch tiễn bì mỗi vị 120 gram, sắc cùng với 3 thăng nước cho đến khi còn 2 thăng. Chia lượng thuốc làm 3 phần và uống.
- Trị chứng đau nhức xương khớp: các vị thuốc bao gồm độc hoạt, phục linh, đương quy, bạch thược dược, cát căn và hoàng kỳ mỗi loại 4 gram, nhâm sâm 2 gram, cam thảo, phụ tử chế và can khương mỗi loại 1,2 gram, đậu đen 6 gram, sắc uống và chia làm 3 lần trong ngày.
- Trị đau khớp mãn tính do phong thấp, thiên về chi dưới: sử dụng 12 gram độc hoạt và tần giao, tang ký sinh, quy thân, bạch thược, sinh địa, xuyên khung, nhục quế, phòng phong, nhân sâm, phục linh, cam thảo, đỗ trọng và ngưu tất mỗi vị 8 gram. Sắc các vị thuốc và uống.
- Trị khớp viêm do phong thấp, lưng đùi đau nhức, tay chân co rút: Độc hoạt 12 gram, Tần giao 12 gram, Phòng phong 12 gram, Tế tân 4 gram sắc uống. Cũng có thể sử dụng độc hoạt nửa cân nấu thành cao, mỗi lần uống một muỗng cà phê, ngày 2 lần với nước.
- Trị cảm mạo phong hàn, đầu đau, cơ thể đau, táo bón: Độc hoạt 8 gram, Ma hoàng 4 gram, Xuyên khung 3,2 gram, Đại hoàng 8 gram, Cam thảo 4 gram, Sinh khương 4 gram. Sắc lấy nước uống.
- Trị phế quản viêm mạn tính: Cách dùng: Độc hoạt 9g, cho đường đỏ 15g, theo tỉ lệ, chế thành cao, chia 3-4 lần uống trong ngày.
- Trị bạch điến phong: Độc hoạt Heracleum hemsleyanum Diels. (Ngưu vĩ Độc hoạt) 1% chế thành cao nước bôi, kết hợp tắm ánh nắng mặt trời.
- Trị vảy nến: Độc hoạt uống và bôi, đồng thời kết hợp chiếu tia tử ngoại
Tóm lại, cây thuốc độc hoạt hay còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như khương thanh, độc diêu thảo, trường sinh thảo,… Đây là một loại cây sống lâu năm và là một vị thuốc quý hiện nay chưa trồng được ở Việt Nam, với bộ phận chính được sử dụng là thuốc đó là thân và rễ cây, điều trị một số bệnh như vảy nến, đau nhức răng, lạnh toàn thân,… Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ vị thuốc nào cần tham khảo ý kiến của bác sĩ Y Học Cổ Truyền để được tư vấn cũng như có phác đồ điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.