Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây lưỡi bò có tác dụng gì?cung cấp tại Hoàng Mộc Can mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Cây lưỡi bò được biết đến như một dược liệu trong dân gian để điều trị các chứng ghẻ lở, u nhọt, viêm da,… Vậy thành phần hóa học, tác dụng và một số bài thuốc từ cây lưỡi bò như thế nào?
1. Cây lưỡi bò là gì?
Cây lưỡi bò hay được gọi với tên khác là: Cây chút chít, Thổ đại hoàng, Ngưu thiệt, Dương đề. Tên khoa học: Rumex crispus L – thuộc họ Rau răm (Polygonaceae). Là loại cây thân thảo sống lâu năm, chiều cao khoảng 1m; Rễ cây khỏe, bám chắc, phần thân mọc đứng, trên thân có rãnh dọc và ít phân nhánh; Lá mọc trên thân, phân bố ở dưới gốc thường nhiều với thân lá rộng hơn (5-7cm) so với lá ở phần trên, phiến lá hình mũi mác dài, hẹn, mặt lá nhẵn.
Cây phân bố ở khắp nơi trên nước ta, thường mọc hoang ở những ruộng ẩm hay ruộng mạ, ruộng rau muống đã khô nước. Thời gian mọc của cây vào khoảng đầu mùa xuân kéo dài đến tháng 5.
Bộ phận dùng làm thuốc là rễ củ và lá phơi khô của cây lưỡi bò. Có thể thu hái quanh năm, nhưng vào mùa đông thì rễ sẽ tích tụ đầy đủ tính năng dược liệu nhất. Đào lấy rễ củ từ cây già, đem bỏ rễ con sau đó thái mỏng, phơi khô, bảo quản dùng dần.
Dược liệu rễ củ cây lưỡi bò chuẩn thường là mấu rễ tròn, đường kính 1 – 1,5cm, phía ngoài có màu vàng nâu hay nâu tươi, có vết nhăn dọc, bên trong có màu vàng nhẹ nhạt hơn.
Các nghiên cứu phân tích dược liệu chỉ ra, thành phần hóa học của cây lưỡi bò bào gồm: Antraglucozit, Tanin, Axit chrysophanic, Emodin, anthraquinone, canxi oxalate và nhiều hợp chất khác.
2. Tác dụng của cây lưỡi bò
Theo y học cổ truyền, cây lưỡi bò có vị chua đắng, tính lạnh, quy kinh Đại Trường. Công dụng: thanh nhiệt lương huyết, nhuận tràng, sát trùng,…
Chủ trị các chứng bệnh:
- Chữa táo bón mạn tính, táo bón do chế độ ăn uống, sinh hoạt.
- Các bệnh lý ngoài da như mụn nhọt, ghẻ lở, hắc lào, vẩy nến, viêm da cơ địa,…
- Rối loạn chức năng hệ tiêu hóa: đau bụng, ăn kém, chậm tiêu, đầy hơi,…
- Viêm đại tràng mạn tính.
- Hỗ trợ các triệu chứng của bệnh lý viêm mũi cấp và mạn tính.
- Cải thiện giấc ngủ, điều trị mất ngủ, ngủ không sâu giấc.
- Làm mát gan, cải thiện các triệu chứng vàng da, vàng mắt do rối loạn chức năng gan.
- Chức năng kháng khuẩn nhờ hoạt chất axeton của rễ, đối với một số chủng vi sinh vật như: K. pneumonia, B. subtilis, A. hydrophylla, S. aureus, P. aeruginosa và C. albicans)
- Chống oxy hóa tế bào, ngăn ngừa quá trình lão hóa nhờ chiết xuất ete và etanol của lá.
3. Liều dùng và cách dùng
Có thể sử dụng lá và rễ cây lưỡi bò đã phơi khô hãm nước uống hàng ngày, giả đắp ngoài da hoặc nấu nước tắm. Cũng có thể dùng rễ phơi khô phối hợp với một số dược liệu khác sắc lấy nước uống.
Thông thường, dùng liều từ 1-3g/ ngày để dùng với mục đích nhuận tràng hay các bệnh lý khác. Nếu dùng để tẩy xổ mạnh có thể tăng liều đến 4-6 g/ ngày.
Lưu ý:
- Không sử dụng ở người có chức năng Tỳ vị hư hàn, người bệnh đang bị tiêu chảy cấp, đi cầu phân lỏng.
- Trong lá có hàm lượng oxalic rất cao có thể gây độc, do đó không dùng với lượng lớn cùng một lần. Lá phải dùng khi đã phơi khô để giảm bớt lượng oxalic, nếu dùng lá non phải đun sôi thật kỹ.
- Hạn chế sử dụng cho người bệnh sỏi thận, bệnh nhân thấp khớp hay bệnh lý gout.
- Mặc dù là dược liệu tự nhiên nhưng vẫn có thể không an toàn cho thai nhi do làm lượng anthraquinone có trong rễ. Do đó, phụ nữ có thai hạn chế sử dụng.
4. Một số bài thuốc từ cây lưỡi bò
Bài thuốc hỗ trợ điều trị các triệu chứng của viêm da do tiếp xúc: Rễ cây lưỡi bò 20g, Hoàng bá 20g, Sinh địa 30g. Đem sắc thành hỗn hợp sệt rồi đắp trực tiếp lên vùng da tổn thương.
Bài thuốc trị viêm đại tràng mạn tính: Rễ cây lưỡi bò 30g, Khổ sâm 30g, Đỗ trọng 10g, Địa du 10g, Bạch cập 10g. Đem sắc với một lượng nước vừa đủ sau đó lọc bỏ bã, dùng ống thụt hậu môn đưa sâu vào khoảng 20cm rồi bơm thuốc còn ấm vào, giữ thuốc trong hậu môn 12 giờ. Mỗi ngày làm 1 lần và làm liên tục trong 20 ngày, sau đó nghỉ 5 ngày rồi làm tiếp liệu trình thứ 2.
Bài thuốc xổ: Rễ cây lưỡi bò 6g, Cam thảo 3g. Sắc trong 300ml nước đến khi còn phân nửa, chia 2-3 lần uống trong ngày vào mỗi buổi sáng khi bụng đói.
Bài thuốc chữa chứng ngứa ngoài da lâu ngày: Rễ cây lưỡi bò giã chung với Khinh phấn để tạo thành hỗn hợp sệt. Bôi lên vùng da bị ngứa. Sử dụng 3-5 lần sẽ thấy hiệu quả.
Bài thuốc chữa hắc lào: Rễ cây lưỡi bò 90g cho vào bình sành hoặc bình thủy tinh, đổ ngập rượu rồi ngâm trong 10 ngày. Dùng rượu đã ngâm bôi lên vùng da tổn thương ngày 1 lần. Dùng liên tục trong vòng 5 ngày.
Bài thuốc trị mụn nhọt sưng đau chưa vỡ mủ: Rễ cây lưỡi bò 15g, dùng tươi, rửa sạch thái lát mỏng sau đó trộn với một ít dấm. Đắp trực tiếp lên vết mụn 1-2 giờ rồi tháo ra rửa sạch. Thực hiện liên tục trong 3 ngày.
Bài thuốc chữa cảm cúm: Rễ cây lưỡi bò 30g, thạch cao sống 50g, Rễ sắn dây 30g, Sài hồ 30g. Đem sắc lấy nước uống ngày 1 thang, chia làm 2-3 lần uống.
Bài thuốc chữa mẩn ngứa do nhiệt: Lá cây lưỡi bò 15g, rửa sạch rồi giã nát. Vệ sinh và lau khô vùng da bị mẩn ngứa sau đó đắp lá lên. Đắp 2 lần/ ngày đến khi giảm ngứa.
Bài thuốc chữa viêm da thần kinh: Rễ cây lưỡi bò 8g, Khô phàn 8g đem tán bột rồi trộn với dấm thành hỗn hợp sệt. Bôi trực tiếp lên vùng da đau ngứa 1-2 lần/ ngày.
Như vậy, cây lưỡi bò là một loại dược liệu thiên nhiên có công dụng trong các bệnh lý viêm nhiễm ngoài da và chữa táo bón hiệu quả. Tuy nhiên, nếu sử dụng lưỡi bò như một loại thuốc điều trị chính thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đề phòng một số phản ứng không mong muốn có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.