Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Đông y chữa đau lưng cấpcung cấp tại Hoàng Mộc Can mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Huy Đức – Bác sĩ Y Học Cổ Truyền – Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông
Đau lưng là một bệnh hay gặp ở lứa tuổi trung niên và người già, hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa do lối sống không khoa học, thiếu vận động. Đau lưng theo Y Học Cổ Truyềnthuộc chứng Yêu thống, bệnh gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng ta. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để tham khảo cách điều trị đau lưng bằng đông y.
1. Đau lưng theo Y Học Cổ Truyền
Đau lưng theo Y Học Cổ Truyền thuộc chứng Yêu thống. Đau thắt lưng có mối quan hệ mật thiết với thận do thắt lưng là phủ của thận. Đau thắt lưng có thể đau một bên hay hai bên cột sống, chia làm hai loại: đau lưng cấp và đau lưng mạn. Theo Y Học Cổ Truyền, có một vài nguyên nhân gây bệnh đau lưng, gồm có:
- Hàn thấp: Thường gặp ở người sinh hoạt, làm việc ở những nơi ẩm, lạnh lâu ngày hoặc bị cảm phải hàn thấp gây trở ngại kinh lạc, bế tắc khí huyết trong đường kinh mạch ở vùng thắt lưng.
- Thấp nhiệt: Do hàn thấp lâu ngày không khỏi, tà khí lưu lại gây ủng trệ kinh lạc hoặc bị cảm phải tà khí thấp nhiệt.
- Bất nội ngoại nhân: Do chấn thương ở vùng lưng, ngồi làm việc sai tư thế làm cho khí trệ huyết ứ ảnh hưởng đến sự vận hành của khí huyết.
- Nội thương: Do sức yếu, làm việc quá độ, người già yếu hoặc mắc bệnh lâu ngày làm thận tinh bị suy tổn, can huyết hư không nuôi dưỡng được kinh mạch mà sinh bệnh.
2. Điều trị đau lưng theo Y Học Cổ Truyền
Với mỗi thể lâm sàng, thầy thuốc đông y sẽ có các bài thuốc khác nhau để điều trị phù hợp với tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh.
2.1 Đau thắt lưng cấp do phong hàn thấp
- Triệu chứng: Đau thắt lưng xảy ra đột ngột, sau khi bị mưa, lạnh, ẩm thấp. Người bệnh thường đau một bên cột sống, đau không cúi được, ho và trở mình cũng đau. Tình trạng đau tăng khi gặp lạnh, thời tiết âm u, mưa, vặn lưng, cúi ngửa khó khăn, có trường hợp nằm yên cũng đau.
- Phương pháp chữa: Khu phong, trừ thấp, tán hàn, ôn kinh hoạt lạc (hành khí, hoạt huyết).
- Bài thuốc: Độc hoạt ký sinh thang. Bài thuốc này gồm các dược liệu sau: Độc hoạt 12g, tang ký sinh 12g, tần giao 8g, phòng phong 8g, tế tân 8g, đương quy 12g, thược dược 10g, xuyên khung 12g, địa hoàng 8g, đỗ trọng 12g, ngưu tất 8g, nhân sâm 8g, phục linh 8g, cam thảo 6g, quế tâm 8g. Sắc uống ngày một thang. Điều trị đau lưng bằng đông y sẽ giúp triệu chứng đau giảm đi dần dần.
2.2 Đau lưng nguyên nhân do thấp nhiệt
Thường gặp trong những trường hợp đau thắt lưng do nhiễm khuẩn vùng cột sống.
- Triệu chứng: Đau vùng thắt lưng kèm theo sưng nóng đỏ hoặc có cảm giác nóng bứt rứt, có thể sốt, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày.
- Bài thuốc: Tứ diệu tán gồm các dược liệu sau: Thương truật 08g; Hoàng bá 15g; Ngưu tất 15g; Ý dĩ 20g. Sắc uống mỗi ngày 01 thang, chia 2 lần uống.
2.3 Đau lưng cấp khi thay đổi tư thế hay vác nặng lệch tư thế do khí trệ, huyết ứ
- Triệu chứng: Sau khi vác nặng lệch người, hoặc sau một động tác thay đổi tư thế đột nhiên bị đau một bên sống lưng, đau dữ dội ở một chỗ, vận động hạn chế nhiều khi không cúi, đi lại được, cơ co cứng, sợ ấn vào chỗ đau.
- Thầy thuốc thường sử dụng phương pháp chữa: Hoạt huyết hóa ứ, lý khí chỉ đau.
- Bài thuốc: Thân thống trục ứ thang gồm các dược liệu: Đào nhân, hồng hoa, đương quy, xuyên khung, ngưu tất, mỗi loại 12g; cam thảo 8g; ngũ linh chi, địa long, mỗi loại 8g; hương phụ, tần giao, khương hoạt, mỗi loại 4g. Sắc uống ngày một thang. Điều trị đau lưng theo đông y bằng cách sử dụng bài thuốc này giúp giảm các triệu chứng của bệnh.
2.4 Đau thắt lưng do thận hư
- Triệu chứng:
- Đau thắt lưng ê ẩm, chân yếu, lúc mệt mỏi tình trạng đau tăng, nằm thì cảm giác đau giảm.
- Nếu thận dương hư là chính, có thêm triệu chứng chân tay lạnh, mặt sắc trắng, bụng dưới câu cấp, mạch trầm tế, lưỡi nhạt.
- Nếu thận âm hư là chính, có thêm tình trạng mất ngủ, má hồng, miệng họng khô, lưỡi đỏ, lòng bàn chân tay nóng, mạch tế sác.
- Phương pháp chữa đau lưng theo Y Học Cổ Truyền:
Với thể thận dương hư là chính thì phương pháp chữa là: Bổ thận trợ dương. Đối với trường hợp này, bác sĩ thường kê bài thuốc hữu quy hoàn. Thang thuốc gồm các thành phần: 32g thục địa, 16g mỗi loại sơn dược, sơn thù, kỷ tử, đỗ trọng, thỏ ty tử, giác lao, 12g mỗi loại phụ tử, nhục quế, đương quy, lộc giác giao 16g. Sắc uống ngày một thang.
Với thể thận âm hư là chính: Bổ thận tư âm là phương pháp chữa được các thầy thuốc áp dụng với bài thuốc tả quy hoàn. Bài thuốc này gồm: Thục địa 32g, 16g mỗi loại sơn dược, sơn thù, kỷ tử, thỏ ty tử, ngưu tất, lộc giác giao, quy bản giao, tục đoạn 12g, đỗ trọng 12g. Sắc uống ngày một thang.
Các bài thuốc trên sắc uống 1 thang/ngày, cho 750ml nước sắc hai lần, mỗi lần chắt lấy 250ml, uống lúc thuốc còn nóng. Uống liên tục 10 thang.
Trên đây là một vài bài thuốc được sử dụng để điều trị đau lưng cấp theo Y Học Cổ Truyền. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hay triệu chứng đau không hề thuyên giảm, hãy đến ngay gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.