Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Bạn có biết các huyệt giúp ngủ ngon?cung cấp tại Hoàng Mộc Can mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Huy Đức – Bác sĩ Y Học Cổ Truyền – Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông
Theo đông y thì mất ngủ được quy vào chứng thất miên, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như huyết hư, tỳ vị hư, tâm tỳ lưỡng hư, tâm thận hư, can khí uất kết. Các huyết trên cơ thể được coi như những vị thuốc dùng để điều trị các bệnh lý khác nhau. Trong đó bộ huyệt có tác dụng an thần thường được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ, giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn.
1. Quan điểm Y Học Cổ Truyền về điều trị mất ngủ
Theo đông y, giấc ngủ có liên quan mật thiết tới ngũ tạng, bất kỳ một tổn thương nào của ngũ tạng đều là nguyên nhân dẫn tới mất ngủ. Một số nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng mất ngủ như:
- Tình trạng căng thẳng kéo dài dẫn tới can khí uất kết, can khí uất kết lâu ngày sẽ hóa hỏa và khuấy nhiễu tâm, làm tâm không yên nên gây ra chứng mất ngủ, hay cáu gắt, đau tức mạn sườn, miệng đắng họng khô. Khi điều trị cần thanh can, tả hỏa, trấn tâm, an thần
- Khí huyết hư: Nếu như một người bị khí huyết hư nhược thì tâm không được nuôi dưỡng đầy đủ gây ra mất ngủ. Khi điều trị cần bồi bổ khí huyết.
- Thường xuyên lo lắng quá độ, lâu dần ảnh hưởng tới tạng tỳ. Khiến tỳ không vận hóa được đồ ăn để nuôi dưỡng cơ thể, không nuôi dưỡng được tâm gây nên tâm tỳ lưỡng hư.
- Thận âm hư tổn không tiềm được dương, hỏa bốc lên tổn hại tới tâm gây ra chứng âm hư hỏa vượng khiến bệnh nhân khó ngủ. Tình trạng này rất hay gặp ở những phụ nữ độ tuổi tiền mãn kinh. Điều trị cần tư âm, giáng hỏa, dưỡng tâm, an thần.
- Ăn uống không điều độ, thường xuyên ăn những đồ béo, khó tiêu làm cho thức ăn không tiêu hóa được. Gây ra tích trữ tại dạ dày làm cho vị khí hư tổn. Khiên vị giảm chức năng hòa hòa giáng, dẫn đến vị nghịch gây chứng ợ hơi, ợ chua hay buồn nôn dẫn tới khó ngủ. Trường hợp này khi điều trị cần tiêu thực đạo trệ, ích vị, an thần.
Điều quan trọng trong việc điều trị mất ngủ theo quan điểm Y Học Cổ Truyền là tìm ra được căn nguyên và lựa chọn một số huyệt điều trị nguyên nhân phù hợp. Ngoài ra, các huyệt trên cơ thể có một bộ huyệt có tác dụng an thần, giải tỏa căng thẳng thường xuyên được sử dụng giúp hạn chế tình trạng mất ngủ.
2. Tác dụng của bấm huyệt tới giấc ngủ
Xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp điều trị đã được sử dụng để điều trị bệnh từ rất lâu đời, người ta nhận thấy việc dùng huyệt đúng cũng như sử dụng một vị thuốc. Theo đông y, bấm huyệt gây ra hai tác dụng là tác dụng tại chỗ làm cho gân cơ thư thái và tác dụng toàn thân giúp điều hòa chức năng ngũ tạng, điều hòa âm dương, điều trị bệnh tùy theo từng huyệt như huyệt có tác dụng an thần, hạ áp, điều trị đau bụng, đau lưng…
Theo tây y, khi bấm huyệt hay châm cứu vào các huyệt đạo cũng gây ra những thay đổi giúp như tăng tuần hoàn tại chỗ, thay đổi dịch tiết, hormon, thay đổi các chất trung gian hóa học…Từ đó giúp cải thiện tình trạng bệnh lý.
Đối với giấc ngủ thì việc bấm huyệt cũng mang lại nhiều tác dụng như:
- Giúp giải tỏa căng thẳng là nguyên nhân hay gặp gây mất ngủ.
- Tăng cường lưu thông máu lên não, giúp hoạt động bộ não tốt hơn, cải thiện chứng đau đầu, giảm lo âu.
- Ổn định hệ thần kinh từ đó giúp người bệnh dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
- Bấm một số huyệt theo nguyên nhân gây bệnh có thể giúp điều trị nguyên nhân như mất ngủ do tăng huyết áp, có thể dụng một số huyệt có tác dụng hạ áp do căng thẳng gây can khí uất kết thì dùng các huyệt có tác dụng sơ can giải uất…
3. Các huyệt giúp ngủ ngon
Bấm huyệt là phương pháp đơn giản, bạn có thể thực hành tại nhà để giúp ngủ ngon hơn. Dưới đây là các huyệt giúp ngủ ngon và cách bấm huyệt chữa mất ngủ:
- Huyệt nội quan: Huyệt nằm ở mặt trước cẳng tay, nằm giữa gan cơ tay lớn và gan cơ tay bé, xác định bằng từ vị trí giữa nếp lằn cổ tay đo lên 3 thốn( tương ứng bề ngang của 4 đốt ngón tay 2,3,4,5). Huyệt nội quan có tác dụng điều hòa khí huyết, dưỡng tâm, an thần, cải thiện tình trạng suy nhược thần kinh. Day ngón tay cái vào vị trí huyệt theo chiều kim đồng hồ, mỗi bên khoảng 3 phút.
- Huyệt thần môn: Nằm ở nếp nhăn trên cùng phía trong bàn tay, ở phía dưới ngón út, giữa đầu xương trụ và xương đậu. Huyệt thần môn có tác dụng an thần, làm giảm bớt tình trạng căng thẳng. Dùng ngón tay cái bấm và day theo chiều kim đồng hồ 2 đến 3 phút.
- Huyệt tam âm giao: Nằm tại phần lõm sau của xương chày, cách mắt cá chân 3 thốn, bằng chiều ngang của 4 ngón tay 2,3,4,5. Huyệt nằm trên kinh túc thái âm tỳ và là vị trí giao của 3 đường kinh âm tại chân gồm kinh âm là túc thái âm tỳ, túc thiếu âm thận, túc quyết âm can cho nên gọi là tam âm giao. Huyệt có tác dụng dưỡng âm, điều hòa tạng phủ và an thần. Day huyệt theo chiều kim đồng hồ khoảng 3 phút mỗi bên. Lưu ý không bấm huyệt này khi mang thai, bởi có thể gây thai động.
- Huyệt dũng tuyền: Chia đoạn nối giữa ngón 2 của bàn chân với mặt trí giữa bờ sau của gót chân thành 5 phần. Huyệt được xác định là tại vị trí 2⁄5 trước và 3⁄5 sau trước gan bàn chân. Huyệt dũng tuyền có tác dụng thúc đẩy và tăng lưu thông khí huyết,cải thiện giấc ngủ. Vị trí này hơi khó để dùng tay ấn, nên bạn có thể sử dụng đũa có đầu tù để ấn trong vòng hai phút.
- Huyệt ấn đường: Là vị trí chính giữa đường nối hai đầu lông mày với nhau. Huyệt có tác dụng giảm đau đầu, giảm tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, chữa mất ngủ. Day huyệt với lực vừa phải theo chiều kim đồng hồ khoảng 3 phút.
- Huyệt thái dương: Huyệt nằm ở vị trí lõm, cách đuôi mắt 0,5 thốn. Huyệt vị này được dùng để giảm các triệu chứng đau đầu vùng thái dương, giảm căng thẳng, lo âu, tăng cường miễn dịch. Dùng hai đầu ngón tay day nhẹ huyệt thái dương khoảng 3 phút.
- Huyệt thiên trụ: Từ vị trí chân tóc sau gáy đo lên trên khoảng 0,5 thốn rồi tiếp tục đo ngang 2 bên 1,3 thốn. Huyệt thiên trụ có tác dụng thúc đẩy quá trình lưu thông khí huyết, giúp giảm đau đầu và cải thiện giấc ngủ. Dùng hai ngón tay cái để day huyệt thiên trụ từ 3 đến 5 phút.
- Huyệt Phong trì: Nằm ở sau gáy, xác định vị trí huyệt phong phủ là khe giữa đốt sống cổ 1 và xương chẩm, rồi từ đó đo sang ngang 1,5 thốn là vị trí huyệt phong trì. Huyệt phong trì giúp cải thiện chứng chóng mặt, mất ngủ, kém tập trung và giảm trí nhớ. Dùng ngón tay cái day ấn huyệt khoảng 3 phút mỗi bên.
- Huyệt Thái Xung nằm ở khe giữa ngón chân cái và ngón số 2. Tác dụng giảm huyết áp, bình can, điều hòa kinh nguyệt, giảm căng thẳng và an thần. Ân lên huyệt này 3 phút mỗi ngày.
- Huyệt Thái Khê: Vị trí nằm giữa đường nối của mép trong của gân gót và bờ sau mắt cá chân trong. Thái khê là huyệt thuộc kinh Thận, có khả năng giúp giảm sự mệt mỏi và căng thẳng, từ đó giúp giảm tình trạng khó ngủ.
- Huyệt An Miên: Là một huyệt ngoài đường kinh, nằm ở vùng cổ, phía sau tai, bên cạnh lồi xương. Huyệt An Miên là huyệt có khả năng tác động tới các cơ quan của hệ thần kinh, giúp điều trị chứng mất ngủ, giảm lo lắng, chóng mặt và đau đầu. Ấn một lực nhẹ bằng ngón tay vào huyệt an miên khoảng 3 phút.
4. Một số lưu ý khi bấm huyệt trị mất ngủ
Phương pháp bấm huyệt hỗ trợ điều trị mất ngủ khá đơn giản và bạn hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, việc bấm huyệt chữa mất ngủ cũng cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Không bấm huyệt một số huyệt như tam âm giao khi đang mang thai. Không bấm huyết khi đang kích động, uống rượu, cơ thể suy nhược quá mức.
- Cần cắt móng trước khi bấm huyệt để hạn chế gây tổn thương da. Không thực hiện bấm huyệt trên vùng da có vết thương hở.
- Nên thực hiện đều đặn việc bấm huyệt khoảng 15 phút trước khi đi ngủ.
- Nên kết hợp với các biện pháp thay đổi thói quen sinh hoạt như hạn chế các chất kích thích để tăng hiệu
- Có thể kết hợp với việc ngâm chân thảo dược cùng nước ấm và luyện tập các biện pháp thư giãn đều đặn để cải thiện chứng mất ngủ.
- Với những trường hợp mất ngủ mãn tính, nên được thăm khám để xác định căn nguyên và điều trị kết hợp nhiều phương pháp để tăng hiệu quả.
Bạn nên thường xuyên bấm các huyệt giúp ngủ ngon nếu như gặp tình trạng mất ngủ thường xuyên tái diễn. Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện thay đổi những thói quen không tốt có ảnh hưởng tới giấc ngủ để nâng cao chất lượng giấc ngủ, đảm bảo sức khỏe tổng thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.