Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây cỏ máu có tác dụng gì?cung cấp tại Hoàng Mộc Can mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Cây cỏ máu là tên gọi khác của vị thuốc kê huyết đằng, được sử dụng rất phổ biến ở nước ta. Loại cây này có nhiều đặc tính nên có thể chữa được nhiều căn bệnh cũng như bồi bổ cơ thể. Vậy thực sự cây cỏ máu chữa bệnh gì và nên dùng như thế nào?
1. Đặc điểm cây cỏ máu
Cây cỏ máu có những tên gọi khác như huyết đằng, kê huyết đằng, cây huyết rồng, đại hoàng đằng, hồng đăng… Tên khoa học của cây cỏ máu là Sargentodoxaceae, thuộc họ Huyết đằng.
Cây cỏ máu thuộc dạng cây dây leo, kích thước lớn và thân gỗ. Thân cây có chiều dài lên đến 10 mét, đường kính thân 3-4 cm, hình trụ tròn hoặc hơi dẹt với lớp vỏ màu nâu nhạt và hơi thô ráp. Sở dĩ cây có tên là cây cỏ máu là vì khi cắt đôi thân cây sẽ thấy chảy ra nhựa màu đỏ tương tự như màu máu.
Phần lá cây cỏ máu dạng lá kép, gồm 3-9 lá chét hình trứng, mặt trên bóng nhẵn, màu xanh đậm còn mặt dưới màu nhạt hơn.
Hoa của cây cỏ máu đâm ra từ các nách lá, phần cuống nhỏ, phủ lông mịn bên ngoài, mọc thành chàng và có màu tím. Cây cỏ máu ra quả vào tháng 9 đến tháng 10 hàng năm, dạng quả đậu, hình trứng hoặc lưỡi liềm, dài 7cm, có lông nhung bao phủ và chứa 3-5 hạt.
Ngoài mọc phổ biến ở Việt Nam, cây cỏ máu còn phổ biến ở một số quốc gia như Trung Quốc hay Lào. Tại Việt Nam, cây cỏ máu được tìm thấy nhiều ở các vùng núi độ cao trên 850m, có thể mọc trong rừng hoặc ven bờ sông, bờ suối.
2. Cách sử dụng dược liệu cây cỏ máu
Để trả lời câu hỏi cây cỏ máu chữa bệnh gì, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu về đặc điểm sử dụng loại dược liệu này. Bộ phần dùng làm thuốc của cây cỏ máu là phần thân (dây leo).
Thân cây cỏ máu được người dân thu hoạch quanh năm, tập trung nhiều từ tháng 8 đến tháng 10. Người dân thường lựa chọn những thân cây có phần vỏ màu vàng, bề mặt mịn, rắn chắc và còn tươi để thu hái trước.
Hiện nay có 2 cách sơ chế dược liệu cây cỏ máu như sau:
- Dạng tươi: Sau khi thu hái về thân cây cỏ máu sẽ được rửa sạch, sau đó thái thành những phiến mỏng và có thể dùng được ngay;
- Dạng khô: Trước khi phơi khô, cần ngâm nước thân cây cỏ máu, thân nhỏ ngâm trong 1-2 giờ còn thân to ngâm trong 3 ngày liên tục. Sau đó, vớt ra, rửa sạch lại và tiến hành thái mỏng. Bước cuối cùng là làm khô bằng cách phơi nắng hay sấy.
Dược liệu cây cỏ máu không bảo quản tốt rất dễ bị nấm mốc xâm nhập gây hư hỏng. Do đó cần bảo quản trong điều kiện nhiệt độ phòng ở những nơi khô ráo, mát mẻ. Khi sử dụng cây cỏ máu vào mùa Đông hoặc mùa mưa, độ ẩm không khí khá cao thì tranh thủ phơi khô hoặc đem sấy lại để bảo quản được lâu hơn.
3. Cây cỏ máu có tác dụng gì?
Cây cỏ máu có tác dụng gì được nhiều người thắc mắc. Theo các chuyên gia, cây cỏ máu bản chất là vị thuốc kê huyết đằng được sử dụng rất phổ biến trong Y học Cổ truyền. Tác dụng cây cỏ máu sẽ phụ thuộc vào những thành phần hóa học bên trong cây, cụ thể như sau:
- Thân cây, phần sử dụng làm dược liệu có những hoạt chất như Beta Sitosterol, Daucosterol, 5-Alpha-Stigmastan-3-Beta, 9-Methoxy Coumestrol, Milletol, Medicagol, Epicatechin, nhựa, 4-tetrahydroxy chalcone, Protocatechuic acid, Licochalcone, Friedelan-3-Alpha-Ol…;
- Rễ, vỏ và hạt cây cỏ máu có chứa chất nhựa, Glucozit, Tanin và một số hợp chất khác.
Theo ghi chép trong một số tài liệu y học cổ như Đông Dược Học Thiết Yếu, Trung Dược Học thì cây cỏ máu có tính ấm, mùi thơm nhẹ, vị đắng, hậu ngọt. Vị thuốc cây cỏ máu khi sử dụng sẽ quy vào 3 kinh là Can, Thận và Tỳ.
Tác dụng của cây cỏ máu theo Y học Cổ truyền:
- Chỉ thống, lợi huyết, thông kinh hoạt lạc, thư cân, hành huyết, táo vị và làm bền chắc gân xương;
- Chủ trị: Thiếu máu, hư lao, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đau lưng, mỏi gối, kinh nguyệt không đều, khí huyết hư, thiếu máu não, cơ thể suy nhược, đau dạ dày, đổ nhiều mồ hôi trộm hoặc dùng cho phụ nữ sau sinh bị thiếu máu, da xấu và kém sắc.
Tác dụng của cây cỏ máu theo Y học hiện đại:
- Chiết xuất cồn thuốc từ cây cỏ máu thử nghiệm trên chuột bị viêm khớp cho kết quả tình trạng viêm nhiễm do Formaldehyde được đẩy lùi. Một nghiên cứu khác trên chuột cũng cho thấy cây cỏ máu thúc đẩy khả năng chuyển hóa phosphate tại thận và tử cung của chuột;
- Thử nghiệm trên chó và thỏ sử dụng nước sắc từ cây cỏ máu nhận thấy chỉ số huyết áp có chiều hướng giảm, ngoài ra còn ức chế cơ tim trên ếch thử nghiệm;
- Tiêm dịch chiết từ cây cỏ máu vào màng bụng chuột nhắt, các nhà nghiên cứu nhận thấy nó có tác dụng giảm đau, an thần.
Theo các chuyên gia, liều lượng sử dụng của cây cỏ máu từ 10-30g mỗi ngày, có thể ở dạng sắc với nước uống, nấu uống như trà, ngâm rượu hoặc cô đặc thành cao. Tuy nhiên, cây cỏ máu vẫn có nguy cơ gây độc khi thử nghiệm tiêm chiết xuất vào tĩnh mạch động vật với liều lượng 4.25g/kg sẽ gây chết.
4. Cây cỏ máu chữa bệnh gì?
4.1. Viêm khớp dạng thấp
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Cây cỏ máu, cây cứt lợn, rễ vòi voi và cây khúc khắc mỗi loại 16g;
- Địa hoàng và ngưu tất mỗi vị 12g;
- Rễ cây cà gai leo, hồng trúc mỗi, cây đơn châu chấu và rễ cúc ảo mỗi vị 10g.
Đem tất cả nguyên liệu sắc uống mỗi ngày 1 lần sẽ mang lại hiệu quả chống viêm, giảm đau, giúp làm ấm khớp và cải thiện các triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp
4.2. Thiếu máu, bệnh hư lao
Chuẩn bị khoảng 200-300g dược liệu cây cỏ máu. Tiến hành tán nhỏ dược liệu và cho vào bình ngâm cùng 1 lít rượu. Thời gian ngâm ít nhất 7-10 rồi sử dụng sẽ mang lại hiệu quả.
4.3. Đau lưng, mỏi gối
Tình trạng này thường xảy ra ở người lớn tuổi và cũng là biểu hiện cho thấy chức năng thận đang bị suy giảm. Dân gian đã sử dụng bài thuốc từ cây cỏ máu để điều trị tình trạng này như sau:
- Chuẩn bị: 16g sâm nam (tục đoạn), 16g cây cỏ máu, hương thảo, cẩu tích và khoan cân đằng mỗi vị 12g;
- Trộn chung các dược liệu trên thành một thang, sau đó cho vào ấm để sắc chung với 700ml nước;
- Nấu sôi, sau đó vặn nhỏ lửa và đợi nước cô đặc còn 300ml thì ngưng;
- Tiến hành gạn thuốc, để còn hơi ấm thì chia làm 2-3 lần uống.
Người bệnh uống mỗi ngày 1 thang như trên trong khoảng 6 ngày liên tục sẽ thấy tình trạng đau lưng, mỏi gối có những chuyển biến tích cực.
4.4. Điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, khí huyết hư, thiếu máu não, mệt mỏi, chóng mặt, hoa mặt
Chuẩn bị: Cây cỏ máu 16g, ngưu kinh 10g, khương hoàng 6g và ích mẫu 12g.
Đem tất cả nguyên liệu sắc với nước, gạn lấy thuốc chia làm 2-3 phần đều nhau và uống vào buổi sáng, trưa, tối
Mỗi ngày uống 1 thang sẽ giúp kinh nguyệt đều hơn, cải thiện tình trạng khí huyết hư và tăng cường máu lên não.
4.5. Bệnh đau lưng
Chuẩn bị 16g mỗi vị cây cỏ máu, củ kim cang, rễ trinh nữ và cườm thảo, kết hợp 12g ngưu tất nam, 8g quế chi, 8g cây bao kim và 6g trần bì.
Sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang kết hợp chế độ nghỉ ngơi và tập luyện phù hợp sẽ giúp tình trạng đau lưng thuyên giảm, đồng thời kích thích khí huyết lưu thông tốt hơn.
4.6. Bồi bổ sức khỏe, lợi huyết và kích thích tăng cân
Chuẩn bị khoảng 50g dược liệu cây cỏ máu dạng khô. Sau đó tiến hành rửa qua 2 lần nước cho sạch bụi bẩn và tạp chất.
Bỏ vào ấm, nấu chung với 1.5 lít nước và đun sôi khoảng 20 phút thì tắt bếp. Tiến hành gạn uống nhiều lần trong ngày, mỗi lần uống khoảng 100ml thay thế cho một phần nước lọc.
Sử dụng liên tục bài thuốc từ cây cỏ máu như trên một thời gian sẽ thấy cơ thể khỏe khoắn hơn, ăn ngon, ngủ tốt và cân nặng cũng được cải thiện.
4.7. Bệnh đau thần kinh tọa
Chuẩn bị cây cỏ máu 20g, cỏ xước rễ lớn, thoát hạch nhân, hồng hoa và khương hoàng mỗi vị 12g, hạn liên thảo 10g và cam thảo 4g.
Mỗi ngày sắc uống 1 thang như trên với 400ml nước trong thời gian 20 phút, sau đó chia làm 2 lần uống mỗi ngày.
4.8. Bệnh đau dạ dày
Đau dạ dày khiến người bệnh gặp nhiều triệu chứng khó chịu như đau thượng vị, đầy hơi, buồn nôn, ợ chua, ăn uống kém tiêu hóa… Để cải thiện các triệu chứng, bệnh nhân có thể dùng 1 trong 3 bài thuốc từ cây cỏ máu như sau:
- Bài 1: Chuẩn bị 16-20g cây cỏ máu đem đi đun sôi kỹ lấy nước uống thay trà trong ngày;
- Bài 2: Chuẩn bị cây cỏ máu số lượng lớn và rượu trắng từ 40 độ cồn trở lên. Đem dược liệu rửa sạch, xếp vào bình thủy tinh rồi đổ rượu vào cho đến khi ngập mặt thuốc. Để nơi thoáng mát ngâm trong thời gian 15-30 ngày là có thể dùng được. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 ly khoảng 10ml;
- Bài 3: Chuẩn bị 12g mỗi loại cây cỏ máu, lôi công thảo khô, chính hoài, hà thủ ô, hắc đại đậu, cườm thảo và cam thảo dây kết hợp 16g liêu sâm. Đem tất cả đi rửa sạch, lấy 1 thang sắc uống 3-4 lần mỗi ngày.
Người bệnh sau khi dùng vài thang thuốc như trên sẽ thấy các triệu chứng đỡ hẳn.
5. Lưu ý khi sử dụng cây cỏ máu
- Cây cỏ máu có thể gây động thai, do đó không an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai nên đối tượng này tuyệt đối không được sử dụng;
- Trẻ em, người có cơ địa dị ứng hoặc quá mẫn với thành phần có trong dược liệu cây cỏ máu cũng không nên dùng;
- Trường hợp sử dụng cây cỏ máu dạng khô cần đảm bảo dược liệu không bị pha lẫn với các tạp chất và cây cỏ khác. Dược liệu phơi khô bị ẩm, mốc, đổi màu thì không nên dùng vì có nguy cơ gây ngộ độc;
- Cây cỏ máu có tính ấm, do đó người có cơ thể nhiệt nên thận trọng khi sử dụng vì dùng nhiều có thể gây táo bón, khô họng;
- Người bệnh cần dùng cây cỏ máu đúng liều lượng được hướng dẫn đối với từng loại bệnh cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.