Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Nguyên nhân và triệu chứng của lạc nội mạc tử cungcung cấp tại Hoàng Mộc Can mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân – Bác sĩ Y Học Cổ Truyền – Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông.
Mặc dù lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa lành tính thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, nguy hiểm hơn dẫn đến vô sinh. Hiểu về lạc nội mạc tử cung một cách tổng quan dưới góc nhìn Đông – Tây Y kết hợp sẽ giúp người phụ nữ nhận thức đúng đắn và đầy đủ về nguyên nhân cũng như nhận biết triệu chứng sớm để bảo vệ bản thân khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh.
1. Nguyên nhân dẫn đến lạc nội mạc tử cung là gì?
Nội mạc tử cung, hay còn gọi là các niêm mạc tử cung, là lớp mô tế bào có tính chất mềm và xốp, bao phủ toàn bộ phía trong của tử cung. Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô nội mạc tử cung phát triển bất thường bên ngoài tử cung, xâm lấn các bộ phận khác. Ví dụ:
- Ống dẫn trứng và buồng trứng
- Bàng quang, niệu quản
- Ruột và trực tràng
- Các mô khác trong sàn chậu
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là:
- Trào ngược kinh nguyệt: Đây được coi là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra lạc nội mạc tử cung. Hàng tháng khi đến kỳ kinh nguyệt, các mô nội mạc trong máu kinh thay vì di chuyển ra ngoài theo cơ chế bình thường lại chảy ngược lại thông qua ống dẫn trứng, lắng đọng rồi sinh sôi, phát triển trên thành khung chậu và bề mặt các cơ quan vùng chậu.
- Yếu tố di truyền
- Yếu tố hậu phẫu thuật: Các mô nội mạc tử cung cũng có thể tràn vào, bám dính ở các vết sẹo hình thành do phẫu thuật lấy thai, nạo phá, cắt bỏ tử cung,… và phát triển dẫn đến lạc nội mạc tử cung.
- Yếu tố nội tiết: Nồng độ một số hormon như estrogen hoặc progesterone thất thường tác động lên các mô niêm mạc tử cung.
- Hệ miễn dịch kém: Hệ miễn dịch gặp vấn đề nên không thể tự nhận biết và phá hủy những mô nội mạc phát triển ở vị trí bất thường trong cơ thể.
- Trẻ em gái có kinh sớm (trước 12 tuổi) và phụ nữ mãn kinh muộn (sau 50 tuổi) có nguy cơ mắc lạc nội mạc tử cung cao hơn những người khác.
Trong Đông Y, lạc nội mạc tử cung thuộc chứng Thống kinh, Bất dựng, Trưng hà – chứng bệnh huyết ứ với nhiều thể bệnh khác nhau. Căn nguyên xuất phát từ tình trạng khí huyết tắc nghẽn, không thông tạo môi trường cho vi khuẩn làm tổ gây viêm nhiễm có cơ hội phát triển.
2. Nhận biết triệu chứng của lạc nội mạc tử cung
Triệu chứng của lạc nội mạc tử cung ở mỗi người bệnh không giống nhau, nhiều phụ nữ có thể mắc lạc nội mạc tử cung rộng mà không có triệu chứng, số khác xuất hiện triệu chứng nhẹ đến mức độ vừa và nặng. Có thể nói, sự phát triển của bệnh thường không tương quan với độ nghiêm trọng của các triệu chứng cơ thể người phụ nữ gặp phải, dù vậy, một số dấu hiệu phổ biến bao gồm:
- Đau: Phụ nữ mắc bệnh phải đối mặt với những cơn đau khác nhau, có thể là đau bụng trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt, đau khi quan hệ tình dục, đau khi đại tiện – tiểu tiện do mô nội mạc xâm lấn cơ quan ruột, bàng quang,…
- Máu kinh bất thường: vón cục, sẫm màu, ra nhiều và chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường.
- Gặp các vấn đề về tiêu hóa: đầy bụng, tiêu chảy, buồn nôn,… nhất là trong kỳ kinh nguyệt.
Trong Đông Y, có thể nhận biết các thể bệnh của lạc nội mạc tử cung dựa trên những biểu hiện nhất định ở người bệnh:
- Thể khí trệ huyết ứ: Bệnh nhân thường suy nghĩ nhiều, tinh thần căng thẳng và dễ nóng giận. Vùng thượng vị xuất hiện những cơn đau bụng có thể lan sang hai bên sườn, vùng hạ vị có cảm giác căng chướng. Thỉnh thoảng xuất hiện chứng thở gấp, khó thở, tức ngực.
- Thể hàn ngưng huyết ứ: Người bệnh ở thể này có sắc mặt xanh xao dễ nhận thấy, tay chân lạnh và hay sợ lạnh dù là thời tiết nóng. Lượng máu trong kỳ kinh nguyệt không nhiều, máu kinh có màu sẫm. Thường phụ nữ mắc thể hàn ngưng huyết ứ hay gặp triệu chứng thống kinh – đau tức bụng dưới đầy khó chịu trong kỳ kinh nguyệt
- Thể khí hư huyết ứ: Cơ thể luôn mệt mỏi, suy nhược. Các chi cảm giác không có lực, giọng yếu, nói nhỏ và hay bị hụt hơi.
- Thể nhiệt uất huyết ứ: Phụ nữ mắc thể này kinh nguyệt thường chậm và xuất hiện cục vón, người nóng, miệng khô, hay có cảm giác đắng họng. Đây là thể bệnh chuyển biến nặng, có dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh có thể sốt, rêu lưỡi vàng.
- Thể thận hư huyết ứ: Toàn thân hay cảm thấy đau mỏi, cơn đau xuất hiện nhiều quanh vùng thắt lưng và có thể lan xuống vùng hông, chậu khiến đi lại khó khăn. Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, người bệnh thường ngại quan hệ tình dục và đi đại tiện bất thường.
3. Lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không?
Ở mức độ nhẹ, các triệu chứng đau nhức, mệt mỏi,… của lạc nội mạc tử cung gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống người bệnh. Và trên hết, lạc nội mạc tử cung cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh ung thư, vô sinh, mang thai ngoài tử cung, tỷ lệ sảy thai cao,…
Do đó, chị em phụ nữ nên chủ động bổ sung kiến thức về bệnh cũng như lắng nghe cơ thể mình, tham gia thăm khám phụ khoa định kỳ để có thể nhận biết sớm và bảo vệ bản thân khỏi những tác hại nguy hiểm của lạc nội mạc tử cung.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.