Vị thuốc từ cây phan tả diệp có tác dụng gì?

Vị thuốc từ cây phan tả diệp có tác dụng gì?

Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Vị thuốc từ cây phan tả diệp có tác dụng gì?cung cấp tại Hoàng Mộc Can mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Hồng Chính – Bác sĩ Y Học Cổ Truyền – Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec – Sao Phương Đông

Cây phan tả diệp tên thường gọi là Phan tả diệp, Dương tả diệp, Tả diệp trà. Tên khoa học là Cassia angustifolia Vahl và Cassia acutifolia Delile. Họ Vang (Caesalpiaceae) được sử dụng làm thuốc cả trong Y Học Cổ Truyền và hiện đại nhờ có tác dụng tiêu tích trệ, thông đại tiện. Vị thuốc từ cây phan tả diệp được dùng chữa chứng ăn uống không tiêu, bụng ngực đầy trướng, táo bón.

1. Lá phan tả diệp có tác dụng gì?

Bộ phận dùng làm thuốc của cây phan tả diệp là phần lá được phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ từ 40 – 50 độ C. Theo Y Học Cổ Truyền, thuốc phan tả diệp có vị ngọt đắng, tính hàn, quy kinh đại trường.

Theo Y Học Hiện Đại

  • Phan tả diệp có thành phần gây tẩy xổ là antraglucoseside (anthraquinone glycoside) mà chủ yếu là sennoside.
  • Ngoài ra, nước ngâm của thuốc có tác dụng ức chế một số nấm gây bệnh ngoài da.
  • Dùng liều cao có tác dụng tẩy xổ mạnh phân lỏng đau bụng, nếu liều cao nữa có thể đau bụng dữ dội nôn ói trong 3 – 4 giờ.
  • Tác dụng tẩy kéo dài 1 – 2 ngày, sau đó không bị táo bón lại.

Theo Y Học Cổ Truyền

  • Phan tả diệp vị ngọt, đắng tính hàn quy kinh Đại trường.
  • Có tác dụng tả hạ thanh nhiệt, chủ trị các chứng thực nhiệt mà đi đại tiện bí, làm sạch đường ruột trước phẫu thuật.
  • Sách Hiện đại thực dụng Trung Dược: “Phan tả diệp dùng ít, vị đắng có tác dụng kiện vị, giúp cho tiêu hóa. Uống liều lượng thích hợp có tác dụng tẩy xổ nhẹ, muốn xổ mạnh uống 4 – 6g thuốc ngâm kiệt sau mấy giờ có hiệu quả”.

2. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng phan tả diệp là gì?

Khi sử dụng vị thuốc phan tả diệp, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ như đau bụng dữ dội, tiêu chảy và táo bón nặng hơn sau khi ngừng sử dụng phan tả diệp, sụt cân, hạ kali máu, buồn nôn, ngứa, chán ăn, nước tiểu đậm, phân giống màu đất sét, vàng da.

Bên cạnh đó, có thể xuất hiện các dấu hiệu của phản ứng dị ứng như phát ban, sưng mặt/môi/lưỡi hoặc cổ họng, khó thở. Bạn hãy báo ngay cho thầy thuốc biết nếu có tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp một số tác dụng phụ khác như co thắt dạ dày, đầy bụng hay ợ hơi, tiêu chảy nhẹ, đau khớp hoặc nước tiểu đổi màu. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ của vị thuốc phan tả diệp, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc.

3. Các trường hợp cần thận trọng khi sử dụng phan tả diệp

Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu:

  • Bạn đang sử dụng các loại thuốc nào khác.
  • Bạn bị dị ứng với bất kỳ chất nào của cây phan tả diệp hoặc các loại thuốc và thảo mộc khác.
  • Bạn có bất kỳ bệnh lý hay tình trạng rối loạn nào khác:
    • Mất nước, tiêu chảy hoặc phân lỏng.
    • Đau bụng, tắc ruột, viêm loét đại tràng, viêm ruột thừa, bệnh Crohn, viêm dạ dày, sa hậu môn, trĩ.
    • Bệnh tim.
  • Bạn có tiền sử dị ứng với thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản hay động vật.

Vị thuốc phan tả diệp làm tăng co bóp cơ trơn tử cung và bàng quang, do đó những người có thai, người bị viêm bàng quang, viêm tử cung kiêng dùng. Người bị táo bón do co thắt đại tràng hoặc viêm đại tràng cũng không được dùng vị thuốc phan tả diệp.

4. Mức độ an toàn của phan tả diệp

Sử dụng vị thuốc phan tả diệp trong khoảng thời gian lâu dài hoặc liều cao có thẽ gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng, bao gồm phụ thuộc thuốc nhuận tràng và tổn thương gan. Phụ nữ cần tránh dùng phan tả diệp nếu đang cho con bú vì các anthranoid rất dễ hấp thu qua sữa khiến cho trẻ bú mẹ bị tiêu chảy.

Phan tả diệp có thể tương tác với những thuốc bạn đang sử dụng. Bạn hãy tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng phan tả diệp với:

  • Digoxin (Lanoxin®);
  • Warfarin (Coumadin®);
  • Thuốc lợi tiểu bao gồm Chlorothiazide (Diuril®), Hydrochlorothiazide (Hydrodiuril®, Microzide®), Furosemide (Lasix®), Chlorthalidone (Thalitone®),…

Tóm lại, tùy theo liều lượng mà tác dụng dược lý của vị thuốc phan tả diệp có thể là nhuận tràng (phần mềm sau khi uống từ 5 – 7 giờ) hoặc tẩy mạnh (phân lỏng có đau bụng). Nếu liều mạnh hơn nữa có thể gây đau bụng dữ dội, nôn mửa trong 3 – 4 giờ. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng phan tả diệp để điều trị bệnh lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.