VIÊM GAN DO THUỐC

Viêm gan do thuốc vốn là một bệnh lý không phổ biến tuy nhiên với tình trạng tự ý sử dụng thuốc, lạm dụng thuốc, thực phẩm chức năng khi chưa có chỉ định của bác sĩ khiến viêm gan do thuốc trở thành vấn đề khá phổ biến hiện nay.

1. Sự chuyển hóa thuốc ở gan:
Hầu hết các thuốc dù được dùng bằng đường uống, đường tiêm, xịt hít qua mũi hoặc dán trên da…đều được chuyển hoá tại gan; sau đó sẽ được bài tiết qua mật hoặc nước tiểu. Các thuốc sử dụng thường là không tan trong nước nên cần được biến đổi tại gan để tạo thành các chất chuyển hóa tan trong nước có thể thải qua nước tiểu hoặc qua mật. Ngoài ra sự chuyển hóa thuốc ở gan thường làm giảm độc tính của thuốc. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các chất chuyển hóa cũng có thể gây độc mạnh hơn thuốc ban đầu.

Chính vì vậy, nếu gan bị suy, chức năng chuyển hoá, giải độc và bài tiết các thuốc cũng bị ảnh hưởng. Sự tích tụ thuốc do không được chuyển hoá và giải độc có thể gây ngộ độc thuốc và có khi tấn công vào gan gây viêm gan do thuốc. Việc sử dụng thuốc không đúng cách, lạm dụng thuốc hoặc tự ý uống thuốc là những nguyên nhân chính góp phần làm cho tổn thương gan do thuốc xảy ra ngày càng nhiều.
2. Cơ chế gây viêm gan do thuốc:
– Cơ chế thứ nhất: Thuốc trực tiếp gây nhiễm độc với gan hoặc liên quan đến những chất chuyển hóa của thuốc. Cơ chế này gặp ở các thuốc được chuyển hóa ở gan, gây ngộ độc gan do sử dụng quá liều hoặc kéo dài. Chúng gây tổn thương hệ thống khử độc của tế bào gan, do đó làm giảm khả năng thải độc và phá hủy tế bào gan.
– Cơ chế thứ hai: phản ứng miễn dịch – dị ứng mà tế bào gan là tế bào mục tiêu. Cơ chế gây tổn thương gan này không liên quan đến liều lượng hoặc thời gian sử dụng thuốc, có khi chỉ cần dùng một liều hoặc một viên thuốc vẫn có thể bị viêm gan. Loại viêm gan do thuốc này không thể biết trước, có thể xảy ra ở người này nhưng không xảy ra ở người khác.
3. Các dấu hiệu cho thấy tình trạng viêm gan do thuốc:
Các triệu chứng của viêm gan do thuốc thường xuất hiện vài ngày hoặc vài tháng sau khi dùng thuốc. Biểu hiện bệnh cũng giống hầu hết các loại viêm gan khác: mệt mỏi, chán ăn, sốt (thường không cao), đau tức bụng vùng hạ sườn phải, nước tiểu vàng và vàng da.

Dấu hiệu nước tiểu vàng sậm thường xuất hiện sớm trước khi có vàng da; vì vậy khi thấy tiểu vàng thì nên đi khám ngay để được phát hiện bệnh kịp thời. Tuy nhiên, cũng có nhiều loại thuốc được đào thải qua đường tiểu và làm nước tiểu sẫm màu nên khó phân biệt được sự thay đổi màu sắc nước tiểu là do thuốc hay do viêm gan.

Việc chẩn đoán xác định viêm gan do thuốc phải dựa thêm vào các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, xét nghiệm loại trừ viêm gan do virus và các nguyên nhân khác.
4. Một số nhóm thuốc gây viêm gan do thuốc:
Thuốc gây mê: cloroform, cyclopropan, enfluranc, halothan, methoxyfluranc,…
Thuốc điều trị ung thư: carmustin, clozotocin, cyclophosphophamid,…
Thuốc tim mạch: acid nicotinic, hydralazin, methyldopa,…
Thuốc chống vi khuẩn, kí sinh trùng đặc biệt là thuốc kháng lao: isoniazid, pyrazinamid, cotrimoxazol, mebendazol,…
Thuốc giảm đau nhóm acetaminophen (paracetamol): đây là loại thuốc thông dụng để giảm đau, hạ sốt. Với liều dưới 4g/ngày, ở người không có bệnh gan, không uống rượu, hiếm khi gây độc cho gan. Viêm gan cấp chỉ xảy ra khi sử dụng liều cao (trên 4g/ ngày) và kéo dài. Đối với người có bệnh gan hay uống rượu, được khuyến cáo sử dụng không quá 2g/ngày.
Thuốc kháng viêm giảm đau không phải steroid (aspirin, diclofenac, profenic…): tỷ lệ bệnh nhân bị tổn thương gan do nhóm thuốc này rất thấp nhưng do được sử dụng quá rộng rãi để trị đau nhức khớp cho nên được xếp vào một trong những thuốc chính gây tổn thương gan. Bệnh nhân có bệnh gan, bệnh thận cần phải thận trọng với nhóm thuốc này, không được tự ý uống thuốc mà phải hỏi ý kiến bác sĩ.
Thuốc Nam , thuốc Bắc ( Thuốc đông Y Trung Quốc) không đạt chất lượng: hiện nay có rất nhiều thuốc nam, thuốc đông y không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không được đăng ký với Bộ y tế. Trong các loại thuốc này có thể được trộn lẫn thuốc Tây để nhanh đạt hiệu quả nhưng gây hại cho gan. Các thuốc nam được sắc từ dược liệu tưởng chừng an toàn nhưng nếu dược liệu được sử dụng không chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật lớn cũng có thể gây tổn thương cho gan. Vậy nên khi dùng thuốc Nam, thuốc Đông y người bệnh cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được đăng ký với Bộ y tế, sản xuất từ nguồn dược liệu đạt chuẩn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *